Cô Hiệu phó 9X: Nếu không tâm huyết, GV mầm non vùng cao khó bám nghề lắm!

19/03/2023 06:42
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Gắn bó thanh xuân với vùng cao để gieo chữ, cô Đàm Thị Thu Thủy cho đó là thời gian quý giá để tích lũy kinh nghiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ mới.

Làm cô giáo bản, còn phải học cả ăn mèn mén, uống rượu ngô

Cô giáo Đàm Thị Thu Thủy (sinh năm 1990), Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Nậm Mòn (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) đã 3 lần vinh dự được nhận bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, và nhiều bằng khen, giấy của các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh và Trung ương vì những đóng góp, nỗ lực trong hoạt động giáo dục ở vùng khó.

Kể chuyện với chúng tôi, cô giáo của thế hệ 9x chia sẻ, những ngày bước vào nghề khi tuổi đời mới qua đôi mươi, cuộc sống chưa nhiều trải nghiệm, vừa mới rời ghế nhà trường đã "khăn gói" lên vùng cao gieo chữ, mặc dù đã chuẩn bị tâm lý nhưng cô không hình dung được hết những khó khăn mình phải vượt qua để theo nghề.

“Năm 2011, khi tốt vừa tốt nghiệp, tôi thuyết phục bố mẹ để mình trở thành một cô giáo vùng cao. Khi nhận quyết định về Trường Mầm non Thải Giàng Phố (xã Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) nhận công tác, cũng xác định là sẽ rất khó khăn nhưng tôi không hình dung hết được rằng công việc, điều kiện dạy học sẽ vất vả đến thế.

Ngày đó ở xã Thải Giàng Phố, cuộc sống người dân còn vất vả. Đường đi lối lại gặp nhiều khó khăn. Quan trọng nhất là tư duy của phụ huynh lúc đó còn lạc hậu, chưa muốn đưa con đến lớp nên các cô giáo mầm non đều rất vất vả”, cô Thủy kể.

“Trong 11 năm ở Thải Giàng Phố, cũng như các đồng nghiệp khác, tôi ngã không biết bao nhiêu lần khi trên đường vào trường dạy học. Có lần cả xe và người lăn xuống suối, may có mấy người thợ sửa cống ở đấy vớt cả người cả xe lên cho. Sau đó đi tiếp vào trường dạy học, trò thấy cô ướt sũng mà ngơ ngác, còn dụng cụ dạy học thì hỏng cả.

Cô giáo Đàm Thị Thu Thủy khi còn công tác tại Trường Mầm non Thải Giàng Phố. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cô giáo Đàm Thị Thu Thủy khi còn công tác tại Trường Mầm non Thải Giàng Phố. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nếu không tâm huyết thì các giáo viên mầm non vùng cao khó bám nghề lắm. Không chỉ cá nhân tôi mà các đồng nghiệp đều tâm sự vậy. Có tâm huyết, có yêu nghề mới khắc phục khó khăn để vượt lên hoàn cảnh, sáng tạo trong dạy học được. Từ tâm huyết và tình yêu đó, chúng tôi luôn cố gắng vì học sinh của mình”, cô Thủy cho biết thêm.

Kể về "chuyện vui vui" tập uống rượu ngô, ăn mèn mén (một món ăn của người Mông được làm từ ngô, xay nhỏ sau đó đem đồ giống như cách đồ xôi) khi lên làm cô giáo vùng cao, cô Thủy cười: “Đúng là ngày trước có chuyện này thật, thế nhưng đó chỉ là giai đoạn đầu lúc mới vào nghề thôi. Những năm ấy, nhận thức phụ huynh còn hạn chế, chưa tạo điều kiện cho trẻ ra lớp nên các thầy cô phải tập thói quen để thân thiện, gần gũi, hòa đồng với lối sống của bà con, qua đó sẽ thuận lợi hơn lúc đến từng nhà phụ huynh, nói chuyện, vận động học sinh ra lớp.

Bây giờ đời sống khá hơn, nên nhận thức của phụ huynh cũng có nhiều điểm chuyển biến. Các con cứ đủ 2 tuổi là được phụ huynh đưa ra lớp rồi. Họ tin và gửi gắm các cô giáo nhiều lắm".

Nhờ yêu nghề, vượt lên hoàn cảnh khó khăn nơi công tác, tìm tòi, sáng tạo trong nghề mà trong 11 năm gắn bó với Trường Mầm non Thải Giàng Phố, cô Thủy 3 lần vinh dự được bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, được vinh danh nhà giáo tiêu biểu, 7 năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Không chỉ vậy, học sinh của cô Thủy không ít lần được rời bản ra trung tâm tỉnh Lào Cai để tham gia những hội thi bé khỏe, bé ngoan cùng với học sinh các trường khác. Với cô Thủy đây là những kỷ niệm khó quên, ngập tràn niềm vui trong thời gian cô công tác tại trường mầm non vùng khó này.

Học hỏi kinh nghiệm quản lý từ đồng nghiệp đi trước

Nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ, năm 2022, cô Thủy đã được giới thiệu, bổ nhiệm vị trí quản lý với chức danh Phó Hiệu trưởng Trường Mầm Non Nậm Mòn (xã Nậm Mòn, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai).

Ở vai trò, vị trí mới, cô Thủy chia sẻ: “Trước đây khi là giáo viên cắm bản, đứng lớp, trách nhiệm quan trọng nhất là dạy học và chăm sóc cho học trò. Còn bây giờ ở vị trí công tác mới, công việc quản lý cũng nhiều áp lực hơn.

Tôi học hỏi những kinh nghiệm của thầy cô, đồng nghiệp ở vai trò quản lý trước mình, nghiên cứu kỹ đặc điểm nhà trường để có biện pháp vận dụng quản lý, đảm bảo chất lượng dạy và học cho phù hợp. Chính ở vai trò mới, tôi hiểu rõ hơn rằng, để giáo viên tâm huyết, sáng tạo thì vai trò của người quản lý rất quan trọng.

Trước hết, giáo viên muốn phát triển được thì người quản lý cần có định hướng và tạo điều kiện cho giáo viên. Trong khuôn khổ nhiệm vụ, sự thấu hiểu của bản thân, tôi luôn động viên các cô giáo trong trường cố gắng vượt qua hoàn cảnh thực tế còn khó khăn để gắn bó, yêu nghề, yêu trẻ”.

Trường Mầm non Nậm Mòn có 9 điểm trường, 27 cán bộ giáo viên trong đó 100% là nữ, chúng tôi đoàn kết, bảo ban nhau trong việc giảng dạy và khắc phục khó khăn", cô Thủy nói.

Cô giáo Đàm Thị Thu Thủy được Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh (bên trái) và Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non Nguyễn Bá Minh (bên phải) trao tặng bằng khen trong buổi lễ gặp mặt các nhà giáo tiêu biểu nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (tháng 11/2022). Ảnh nhân vật cung cấp

Cô giáo Đàm Thị Thu Thủy được Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh (bên trái) và Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non Nguyễn Bá Minh (bên phải) trao tặng bằng khen trong buổi lễ gặp mặt các nhà giáo tiêu biểu nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (tháng 11/2022). Ảnh nhân vật cung cấp

“Trường không có giáo viên nam, mà không phải lúc nào cũng nhờ được phụ huynh học sinh giúp đỡ nên nhiều lúc, các cô giáo phải tự leo lên mái lớp ở điểm bản để sửa sang mỗi khi có hỏng hóc, mưa dột.

Các cô vất vả, nhưng đặc thù của giáo viên mầm non vùng cao là vậy nên chúng tôi cũng chỉ biết động viên nhau cố gắng.

Động lực để các cô gắn bó với trường, lớp chính là sự động viên của đồng nghiệp, sự cảm thông chia sẻ của các bậc phụ huynh, nhất là sự hiếu học của học sinh.

Chúng tôi cũng thường nói với nhau rằng, học sinh còn nhỏ như vậy, vẫn hằng ngày tự lội suối, đi bộ 4-5km để đến lớp, vậy thì không có lý do gì để giáo viên không cố gắng vượt qua khó khăn để dạy các em”, cô Thủy chia sẻ thêm.

Dù giờ đây, cuộc sống, điều kiện dạy học của các cô đã đỡ khó khăn hơn trước, nhưng cô Thủy vẫn luôn trăn trở:

“Trước đây, các cô phải đến tận nhà vận động cha mẹ học sinh đưa con đến trường. Bây giờ không phải vận động nhiều nữa. Nhưng khó khăn mới xuất hiện khi cha mẹ các em đi khỏi địa phương làm ăn xa nên việc học hành, chăm sóc các em gần như giao phó hết cho cô giáo, công việc của các cô vì thế cũng thêm bộn bề, nhiều áp lực. Bởi vậy, chúng tôi mong rằng chế độ giáo viên mầm non vùng cao sẽ được cải thiện hơn, để các cô được yên tâm công tác, thêm gắn bó với nghề".

Trần Phương