Cô Nguyễn Thị Lệ Thanh (sinh năm 1981), giáo viên bộ môn Vật lý, Trường Trung học phổ thông Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước là 1 trong 251 Nhà giáo tiêu biểu năm 2024, có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy và sáng kiến kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục.
Tính đến năm 2024, cô Lệ Thanh đã có 20 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục. Đối với cô, để "dạy một" cần phải "học mười", vì vậy, cô không ngừng học hỏi và nuôi dưỡng tinh thần học tập suốt đời.
Sư phạm từng không phải ngành ưu tiên đến tốt nghiệp thủ khoa đầu ra
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về cơ duyên đến với nghề giáo, cô Nguyễn Thị Lệ Thanh xúc động nhớ lại, từ những năm học phổ thông, cô luôn mơ ước được làm việc trong lĩnh vực Tài chính – Kế toán. Tuy nhiên, một tai nạn giao thông nghiêm trọng vào đầu học kỳ 2 khi cô học lớp 12 đã khiến cô mắc chứng đau lưng và đau đầu dai dẳng, thay đổi hoàn toàn hành trình cuộc đời cô.
Trong suốt học kỳ 2 năm ấy, mỗi ngày cô chỉ ngồi học được hai tiết đầu, ba tiết còn lại phải đứng để học vì cơn đau lưng hành hạ. Dù đau đớn đến mức nước mắt tự tuôn rơi, cô vẫn kiên trì, không từ bỏ việc học và quyết tâm vượt qua thử thách.
Khi làm hồ sơ thi đại học, cô Lệ Thanh vẫn ưu tiên lĩnh vực Tài chính – Kế toán là nguyện vọng hàng đầu, ngành Sư phạm Vật lý được cô chọn làm nguyện vọng thứ hai vì được truyền cảm hứng từ người cha là giáo viên.
Sau khi trúng tuyển cả hai, cô Nguyễn Thị Lệ Thanh quyết định theo học ngành Sư phạm Vật lý, vừa là sự lựa chọn phù hợp với tình hình sức khỏe lúc bấy giờ, vừa là nhờ vào sự động viên và lời khuyên chân thành từ gia đình và bạn bè. Tuy nhiên, cô luôn tin rằng chính nghề giáo đã chọn cô, và cho đến nay, cô luôn cảm thấy quyết định ngày ấy của mình hoàn toàn đúng đắn.
Trong thời gian theo học ngành Sư phạm Vật lý tại Trường Đại học Đà Lạt, nhờ sự nỗ lực không ngừng, cô Lệ Thanh đã xuất sắc tốt nghiệp với thành tích là thủ khoa toàn khóa. Đặc biệt, gia đình luôn là chỗ dựa vững chắc, đồng hành và ủng hộ cô trên con đường chinh phục tri thức. Đồng thời, sự động viên từ thầy cô và bạn bè đã trở thành động lực to lớn, giúp cô Thanh thêm yêu nghề giáo và tìm thấy niềm vui trong công việc.
Nữ nhà giáo tiêu biểu với loạt sáng kiến nâng cao chất lượng giáo dục
Trong quá trình công tác, cô Nguyễn Thị Lệ Thanh đã gặt hái được rất nhiều thành tích trong sự nghiệp, có uy tín về chuyên môn như: danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh Bình Phước năm 2023; danh hiệu Giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi trung học phổ thông cấp tỉnh năm 2021; danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh năm 2023; bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2023; bằng khen của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước năm 2021 và năm 2023.
Ngoài ra, cô Lệ Thanh sở hữu 2 sáng kiến được công nhận hiệu quả áp dụng, phạm vi ảnh hưởng cấp tỉnh năm 2022 và năm 2023; 5 sáng kiến được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước công nhận hiệu quả áp dụng, phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến tại cơ sở (từ năm 2016 đến năm 2021). Năm 2024, cô tiếp tục có 1 sáng kiến đang được Hội đồng sáng kiến cấp tỉnh Bình Phước xem xét và đánh giá.
Cô Nguyễn Thị Lệ Thanh cho biết, sau khi phân tích môi trường lớp học, cô nhận thấy học sinh trong lớp cũng như học sinh ở huyện biên giới Lộc Ninh dành phần lớn thời gian học kiến thức trong sách giáo khoa, ít tham gia thực hành và trải nghiệm thực tế.
Các em chưa phát triển tốt khả năng tâm lý để đối mặt với thách thức trong cuộc sống, thường dành nhiều thời gian giải trí trên mạng xã hội và chơi game, ít quan tâm đến việc rèn luyện thể lực, nghị lực hay thói quen đọc sách.
Từ những quan sát đó, cô Lệ Thanh đã xây dựng sáng kiến “Rèn luyện trí tuệ, đạo đức, nghị lực cho học sinh lớp chủ nhiệm thông qua bơi lội, tủ sách lớp học và tranh truyền cảm hứng”. Sáng kiến này không chỉ giúp học sinh phát triển toàn diện mà còn để lại nhiều kỷ niệm sâu sắc trong hành trình giảng dạy của cô.
Bên cạnh đó, cô Thanh cũng có nhiều sáng kiến khác để nâng cao chất lượng giáo dục, rèn luyện thói quen đọc sách cũng như kỹ năng phân tích, thuyết trình của học sinh.
“Mô hình “Tủ sách lớp học” được tôi khởi xướng từ năm học 2016-2017 và đến năm học 2021-2022 đã có mặt tại tất cả các lớp của Trường Trung học phổ thông Lộc Ninh nhờ sự hỗ trợ từ ban giám hiệu, cựu học sinh và các mạnh thường quân. Với mong muốn lan tỏa thói quen đọc sách, tôi thiết kế tủ sách bài bản, nội dung phong phú giúp học sinh rèn kỹ năng phân tích, thuyết trình; đồng thời cũng hướng dẫn các em cách đọc sách hiệu quả,...
Phong trào đọc sách tại trường ngày càng phát triển với các buổi ngoại khóa văn hóa đọc - nơi học sinh giới thiệu và chia sẻ ý nghĩa những cuốn sách hay. Mô hình này hiện đã được nhân rộng tại nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Bình Phước”, cô Lệ Thanh cho hay.
Bên cạnh đó, trong số 5 sáng kiến được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước công nhận hiệu quả áp dụng, sáng kiến mà cô Nguyễn Thị Lệ Thanh tâm đắc nhất là “Ứng dụng đa dạng hoá các hình thức tổ chức hoạt động học tập nhằm hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh trong dạy học Vật lý trung học phổ thông”, được thực hiện trong năm học 2020-2021, thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát.
Trong bối cảnh đó, khi học sinh không thể đến trường và phải chuyển sang học trực tuyến, việc ứng dụng công nghệ vào giảng dạy trở nên vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, khi học sinh chủ yếu học lý thuyết mà không có cơ hội thực hành, việc thiếu hoạt động trải nghiệm khiến các em dễ cảm thấy nhàm chán và khó phát huy tối đa tiềm năng.
Để khắc phục vấn đề này, cô Lệ Thanh đã triển khai sáng kiến trên nhằm tập trung vào phát triển các năng lực như tự học, tự sáng tạo, giải quyết vấn đề, giao tiếp và hợp tác thông qua các hoạt động bổ trợ như vẽ sơ đồ tư duy, thực hiện thí nghiệm tự tạo và quay video chia sẻ kết quả.
Nữ giáo viên cho biết: “Mặc dù phương thức dạy học trực tuyến trong giai đoạn này gặp khó khăn do hạn chế về thời gian và thiết bị nhưng tôi đã cố gắng tìm cách kết nối với học sinh qua nền tảng mạng xã hội để giao bài tập và nhận video thực hành. Tuy nhiên, việc trao đổi bài học qua mạng xã hội gặp phải hạn chế về dung lượng và thời gian lưu trữ khiến tôi nhận thấy cần sử dụng đa dạng các nền tảng khác nhau như Google Classroom hay Padlet để cải thiện quá trình dạy và học.
Việc học sinh thực hiện thí nghiệm sau khi học lý thuyết và quay video không chỉ giúp các em phát triển kỹ năng thực hành mà còn thúc đẩy sự sáng tạo và khả năng tự học. Sáng kiến này đã góp phần nâng cao hiệu quả giảng dạy, giúp học sinh có thể học tập một cách tích cực và phát triển toàn diện ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn của dịch bệnh”.
Cống hiến từ giảng đường tới những hoạt động cộng đồng
Từng may mắn thoát khỏi một tai nạn lớn nhờ biết bơi từ nhỏ, cô Lệ Thanh luôn nuôi dưỡng ước mơ được dạy bơi miễn phí cho các em học sinh, đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện học bơi. Hiện tại, cô đang dạy bơi miễn phí cho các bạn học sinh cũng như con em cán bộ, giáo viên ở trường.
Ngoài ra, cô Nguyễn Thị Lệ Thanh còn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện tại địa phương. Cô là thành viên của Câu lạc bộ "Hạt gạo nhân ái" tại huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước; tham gia mô hình "Bếp ăn 0 đồng" để nấu cơm ủng hộ các bệnh nhân tại Bệnh viện Lộc Ninh và trung tâm bảo trợ xã hội của huyện.
Cô cũng thường xuyên thăm hỏi, tặng quà cho người già neo đơn tại xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước và ủng hộ những suất ăn trưa cho học sinh ở lại trường trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Những hoạt động này thể hiện tinh thần chia sẻ, lòng nhân ái và sự đóng góp của cô đối với cộng đồng.
“Tôi luôn tâm niệm phải sống với lòng biết ơn và tình yêu thương. Ngoài giờ lên lớp, tôi tham gia cùng các thành viên trong nhóm thiện nguyện nấu những suất ăn từ thiện để tặng các bệnh nhân nội trú tại Bệnh viện Lộc Ninh.
Bên cạnh đó, tôi cũng hướng dẫn con và học sinh của mình nuôi heo đất, tặng quần áo, sách vở, đồ chơi cho các trẻ em tại Trung tâm bảo trợ xã hội của huyện. Những việc làm này tuy nhỏ bé nhưng đối với tôi, chúng mang ý nghĩa hết sức sâu sắc. Tôi luôn cảm thấy mình cần có trách nhiệm cống hiến hết mình cho sự phát triển giáo dục và giúp đỡ những hoàn cảnh còn gặp nhiều khó khăn”, cô Lệ Thanh xúc động bày tỏ.
Nhìn lại hành trình đã qua, cô Nguyễn Thị Lệ Thanh cho rằng điều quý giá nhất mà bản thân đã đạt được chính là bài học về tình yêu thương, niềm đam mê với nghề giáo và khả năng truyền cảm hứng học tập, sáng tạo cho học sinh.
Theo cô, một nhà giáo giỏi không chỉ cần vững vàng về chuyên môn mà còn phải sở hữu đủ 5 yếu tố: đức, chí, thể, trí, công. Trong đó, “đức” là sự trong sáng trong tâm hồn; “chí” là nghị lực kiên cường, là sức mạnh vượt qua thử thách; “thể” là sức khỏe để có thể cống hiến lâu dài; “trí” là sự học hỏi không ngừng; “công” là sự khéo léo trong từng hành động, bảo ban và chăm sóc học trò.
Chính vì thế, cô Nguyễn Thị Lệ Thanh luôn nỗ lực không ngừng để hoàn thiện bản thân, không chỉ trong chuyên môn mà còn trong việc phát triển những phẩm chất đạo đức cần có của một nhà giáo. Cô luôn tin rằng, mỗi bước tiến trong sự nghiệp giáo dục không chỉ là sự phát triển cá nhân mà còn là sự đóng góp vào tương lai của học trò.