Cơ chế kiểm soát quyền lực không chặt chẽ sẽ còn nhiều cán bộ sa ngã

28/01/2023 06:29
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ông Nguyễn Bá Thuyền: “Cơ chế kiểm soát quyền lực chưa chặt chẽ, dẫn đến những cá nhân lạm quyền, lộng quyền và tư lợi cho bản thân”.

Trong những năm qua, công tác phòng chống tham nhũng đã được Đảng ta đẩy mạnh, làm một cách quyết liệt, kiên trì, nhân văn, bài bản và thuyết phục. Quy trình xử lý cán bộ vi phạm được thực hiện chặt chẽ từ xử lý về mặt Đảng, đến xử lý hành chính và xử lý hình sự theo quy định pháp luật.

Năm vừa qua, nhiều quan chức cấp cao đã bị khởi tố, bắt tạm giam liên quan đến các tội danh như: Vi phạm các quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Đưa hối lộ, Nhận hối lộ; Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Bá Thuyền - Đại biểu Quốc hội khóa XII-XIII, nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Ông Nguyễn Bá Thuyền - Đại biểu Quốc hội khóa XII-XIII, nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Trong cuộc trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Bá Thuyền - Đại biểu Quốc hội khóa XII-XIII, nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng, xử lý cán bộ sai phạm của Đảng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đưa được những vụ án có tính chất nghiêm trọng vào diện theo dõi, điều tra, xét xử.

Đồng chí Trưởng ban chỉ đạo cùng các đồng chí trong Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã làm việc rất quyết liệt, bài bản để xử lý những cán bộ sai phạm, với tinh thần giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa những người đang có ý định, hành vi tham nhũng.

Những kết quả mà chúng ta đã đạt được trong thời gian qua là minh chứng rõ ràng nhất cho quyết tâm của Đảng ta trong công tác phòng, chống tham nhũng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

“Chúng ta đã rất chủ động, rất tích cực trong phòng chống tham nhũng, xử lý cán bộ sai phạm nhưng cần phải lưu tâm thêm về vấn đề kiểm soát quyền lực. Bởi nếu không có cơ chế kiểm soát quyền lực thật tốt thì cứ chọn được người tài, tổ chức được bộ máy rồi nhưng sau đó họ lại rơi vào vòng lao lý. Cơ chế kiểm soát quyền lực không chặt chẽ thì sẽ còn nhiều cán bộ sa ngã.

Khi có trong tay quyền lực sẽ dễ phát sinh nguy cơ tha hóa về quyền lực, nhiều cán bộ lạm quyền, lộng quyền, ngang nhiên sai phạm, bắt tay nhau để lo cho lợi ích của bản thân.

Điều đáng buồn là nhiều cán bộ đi lên từ những chức vụ bình thường, đã trải qua nhiều thử thách, khẳng định được tài năng của bản thân nhưng đến khi giữ những chức vụ quan trọng lại không vượt qua được cám dỗ, để bản thân bước chân vào sai phạm.

Thời gian qua, có những cán bộ đứng đầu một tỉnh, người đứng đầu một số bộ, ngành đã bị xử lý, một khi người đứng đầu “nhúng chàm”, tham nhũng hay tiếp tay cho tham nhũng thì sẽ để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng”, nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chia sẻ.

Ông Nguyễn Bá Thuyền nhấn mạnh, nếu không thực hiện cơ chế kiểm soát quyền lực một cách chặt chẽ thì sẽ khó xử lý hết vấn nạn tham nhũng hiện nay.

Chúng ta có nhiều cơ quan làm nhiệm vụ giám sát, thanh tra, kiểm tra, các cơ quan, chính quyền, đoàn thể của chúng ta đều có cơ quan kiểm tra, thanh tra, vậy tại sao tham nhũng vẫn xảy ra nhiều như vậy, phải chăng những cơ quan này chưa phát huy được hết năng lực, chưa thực hiện tốt nhiệm vụ của mình? Đó là những câu hỏi rất cần được làm rõ.

Nhìn từ đại án Việt Á, vụ án chuyến bay giải cứu, trong hoàn cảnh Nhân dân đang vật lộn với bộn bề khốn khó mà nhiều cán bộ lại bắt tay, cấu kết với nhau đút túi hàng chục tỷ đồng. Cán bộ lại đi kiếm chắc trên nỗi thống khổ của Nhân dân, đồng bào mình là điều không thể chấp nhận. Vấn nạn tham nhũng, lợi ích nhóm đã được phơi bày quá rõ ràng từ những hành vi sai phạm với tính chất nghiêm trọng, diễn ra trên diện rộng, có sự móc nối và phạm tội có chủ đích.

Những sai phạm từ vụ Việt Á, chuyến bay giải cứu cũng đã phần nào cho thấy việc thực hiện cơ chế kiểm soát quyền lực chưa thực sự chặt chẽ, nghiêm túc, để những cá nhân nắm quyền lợi dụng quyền lực, lạm quyền, lộng quyền và tư lợi cho bản thân.

Muốn chống tham nhũng phải xử lý từ quy hoạch cán bộ

Ông Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, cùng với việc thực hiện kiểm soát quyền lực chặt chẽ, cần phải làm thật tốt công tác quy hoạch cán bộ, đánh giá cán bộ một cách công bằng, công minh.

Muốn chống tham nhũng phải xử lý từ quy hoạch cán bộ, nghĩa là phải xử lý phần gốc của vấn đề. Nếu cán bộ cấp trên không mẫu mực, vướng vào sai phạm mà lại thực hiện quy hoạch cán bộ trong tổ chức mình thì làm sao có được những cán bộ có tài có đức, làm sao có được tổ chức trong sạch, vững mạnh.

“Và để tuyển chọn được cán bộ của dân, do dân, vì dân, muốn đánh giá cán bộ thật công minh thì phải thay đổi cách tuyển chọn cán bộ.

Cán bộ không thể thiếu tài và không thể thiếu đức, nếu cán bộ yếu kém về năng lực sẽ là sự phá hoại rất lớn cho Đảng, cho đất nước, Nhân dân. Nếu cán bộ có tài mà không có tâm cũng sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với đất nước”, ông Nguyễn Bá Thuyền nêu quan điểm.

Chính vì vậy, chúng ta phải thực hiện thật tốt từ khâu tuyển chọn người tài, làm tốt công tác quy hoạch cán bộ.

Khi đã chọn được cán bộ có tài, có tâm, phải thực hiện nghiêm minh cơ chế kiểm soát quyền lực. Đặc biệt, những cán bộ làm việc trong bộ máy kiểm soát quyền lực phải là những người tiên phong trong việc nêu gương sáng, làm việc công bằng, nghiêm minh, mẫu mực, thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình.

Cùng với đó, phải có chính sách nâng mức lương lên cao, đảm bảo đời sống cho cán bộ yên tâm công tác để họ tận tâm cống hiến cho Nhân dân, cho đất nước.

Thời gian qua cũng đã có một số cán bộ lãnh đạo cấp cao xin thôi chức vụ để chuyển công tác hoặc nghỉ hưu trước tuổi, nhiều người kỳ vọng những trường hợp này này sẽ mở ra văn hóa từ chức. Ông Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, khi chỉ mới có một vài hiện tượng xin nghỉ hưu sớm hoặc xin chuyển công tác thì chưa đủ để hình thành văn hóa từ chức.

Để mở ra văn hóa từ chức thì nhiều cán bộ không đủ năng lực phải tự biết xấu hổ mà từ chức, tức là chủ động muốn nghỉ ngơi hoặc muốn nhường vị trí cho những người đủ năng lực hơn. Đặc biệt cán bộ trung ương, người đứng đầu cần phải làm gương, biết xấu hổ và tự nguyện từ chức để cán bộ cấp dưới thực hiện theo.

Còn nếu những người xin nghỉ hưu sớm hay xin chuyển công tác vì họ buộc phải nghỉ thì chưa thể hình thành văn hóa từ chức. Và thậm chí, khi phát hiện cán bộ sai phạm thì những người từng đề bạt cán bộ đó cũng chưa thấy ai chịu trách nhiệm về mình, chưa thấy ai chủ động từ chức.

“Tất nhiên, chúng ta cũng phải khẳng định, khi cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng ta được thực hiện một cách quyết liệt, mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Chúng ta đã thanh lọc được cán bộ, loại bỏ được nhiều cán bộ năng lực yếu kém từ Trung ương đến địa phương, làm trong sạch bộ máy.

Những tín hiệu tích cực từ công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng ta trong thời gian qua cho chúng ta kỳ vọng nhiều hơn. Việc các cơ quan có thẩm quyền sẽ siết chặt hơn nữa các quy định kiểm soát quyền lực, làm tốt hơn công tác quy hoạch cán bộ và tuyển chọn người tài, đặc biệt là tiếp tục xử lý mạnh tay những cán bộ sai phạm một cách nghiêm minh theo tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Đây là việc phải làm vì sự tồn vong của đất nước, vì sự trong sạch và phát triển của Đảng và để xứng đáng với niềm tin mà Nhân dân đã gửi gắm”, ông Nguyễn Bá Thuyền chia sẻ.

Phạm Minh