Chuyển đổi số trong giáo dục đại học: “Không chuyển đổi thì không tồn tại được”

16/07/2022 07:00
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một trường đại học có thể bỏ ra hàng chục tỷ đồng để xây dựng trung tâm dữ liệu lớn phục vụ cho việc chuyển đổi số nhưng lợi ích nó mang lại là lâu dài và to lớn.

Ngày 15/7, tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng), Câu lạc bộ khối Sư phạm Kỹ thuật (thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) đã tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Chuyển đổi số trong giáo dục đại học: Cách làm và hiệu quả”.

Tham gia chương trình có đại diện 10 trường đại học sư phạm kỹ thuật lớn trên cả nước như: Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh, Trường Đại học Thủ Dầu Một…

Người thầy cũng phải thay đổi

Theo Phó Giáo sư Phan Cao Thọ - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng), chuyển đổi số trong giáo dục đại học đã được nói đến từ hơn hai thập kỷ qua khi mạng Internet được sử dụng phổ biến và thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhưng quá trình chuyển đổi số diễn ra khá chậm.

Vấn đề chuyển đổi số trong giáo dục nhận được nhiều sự quan tâm của nhiều trường đại học. Ảnh: AN

Vấn đề chuyển đổi số trong giáo dục nhận được nhiều sự quan tâm của nhiều trường đại học. Ảnh: AN

Cho đến khi đại dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài, ảnh hưởng đến mọi hoạt động trên toàn cầu thì chuyển đổi số mới thực sự trở thành nhu cầu cấp thiết, là giải pháp cứu cánh cho nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành giáo dục, khi việc học trực tiếp tại trường là không thể.

"Có thể nói Covid đã thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số diễn ra cấp bách và nhanh chóng hơn. Trong lĩnh vực giáo dục, chuyển đổi số không chỉ là số hóa bài giảng, hay ứng dụng các phần mềm vào xây dựng bài giảng mà còn là sự chuyển đổi toàn bộ cách thức, phương pháp giảng dạy, kỹ thuật quản lý lớp học, tương tác với người học sang không gian số.

Khai thác công nghệ thông tin để tổ chức giảng dạy thành công, tạo ra một môi trường học tập, nơi mọi thứ được kết nối với nhau nhằm thu hẹp khoảng cách địa lý để tạo ra trải nghiệm trong học tập và tăng sự tương tác của mọi người”, thầy Thọ chia sẻ.

Còn Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh nhận định, công nghệ đang có sự phát triển và chuyển đổi chóng mặt. Trong tương lai 10 năm tới, AI (trí tuệ nhân tạo) sẽ đe dọa vị trí của người thầy.

“Thực tế hiện nay cho thấy, người thầy chưa thay đổi văn hóa kịp so với sinh viên cũng như sự phát triển của công nghệ. Sinh viên đã tiếp cận công nghệ từ bé, được lớn lên trong môi trường công nghệ.

Còn việc thay đổi văn hóa, cách tư duy về công nghệ cũng như cách làm việc của các giảng viên đại học đang rất khó khăn, nhất là với những người lớn tuổi. Nếu không thay đổi thì không tồn tại được", thầy Dũng phân tích.

Cùng nhận định như trên, Tiến sĩ Hoàng Thị Mỹ Lệ - Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, trong kỷ nguyên số, giáo dục đại học sẽ thay đổi sâu rộng từ môi trường giáo dục, vai trò của người dạy, người học đến phương pháp dạy học.

Giáo dục đại học thay đổi không chỉ ở những gì giảng viên dạy mà còn cả cách họ dạy thông qua chuyển đổi số bao gồm: nền tảng kỹ thuật số, phương tiện kỹ thuật số, thiết bị ảo, phương pháp giảng dạy và học tập dựa trên công nghệ.

“Sự bùng nổ của thông tin, sự phát triển của mạng internet đã làm môi trường dạy và học không còn bị bó hẹp trong không gian của giảng đường. Giảng viên và sinh viên có điều kiện tiếp nhận và chia sẻ thông tin nhanh hơn, liên tưởng nhanh hơn giữa kiến thức lý thuyết trên lớp với thực tiễn cuộc sống.

Người học cũng dễ dàng truy cập vào kho dữ liệu khổng lồ, các thông tin được mở rộng, có cơ hội tương tác, kết nối không chỉ với giảng viên mà còn tương tác với các chuyên gia trong và ngoài nước.

Thực tiễn này đòi hỏi cả người dạy lẫn người học phải thay đổi nếu không muốn bị tụt hậu và nguy cơ thất nghiệp khi ra trường vì không đáp ứng được yêu cầu xã hội”, cô Lệ nói.

Phó Giáo sư Đỗ Anh Tuấn – Trưởng phòng Đào tạo (Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên) nhận định, việc chuyển đổi số trong quản trị đại học không chỉ là về đổi mới về công nghệ, nó còn là vấn đề văn hóa và con người. Thông qua việc số hóa tri thức, kinh nghiệm, cả giáo viên và học sinh đều có thể cải thiện kỹ năng của mình, với một mục tiêu chung.

"Chuyển đổi số đòi hỏi mọi cá nhân từ phòng ban, giảng viên, cán bộ mạnh dạn bước ra khỏi “vùng an toàn” để tiếp cận với công nghệ và học hỏi các kỹ năng mới. Tất cả đều phải đồng lòng và sẵn sàng trước những thay đổi thì nhà trường mới chuyển đổi số thành công", thầy Tuấn nói.

Đầu tư chuyển đổi số, các trường sẽ được gì?

Nói về lợi ích của chuyển đổi số trong trường học, Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng cho rằng, nó sẽ làm tăng tính cạnh tranh giữa các trường, nhất là trong bối cảnh các trường đại học quốc tế đang đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn. Thứ hai là nhờ chuyển đổi số mà nhà trường sẽ giảm chi tiêu, có lợi nhuận để tái đầu tư.

Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh nói về lợi ích khi chuyển đổi số. Ảnh: AN

Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh nói về lợi ích khi chuyển đổi số. Ảnh: AN

“Nhờ tiết kiệm và chuyển đổi số nên trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh có 400 tỷ đồng gửi ngân hàng và tiền lãi 40 tỷ đồng/năm được dùng để cấp học bổng cho sinh viên nghèo”, thầy Dũng thông tin.

Thầy Dũng cũng chỉ ra những thách thức cho các trường đại học khi tiến hành chuyển đổi số là các khoản đầu tư ban đầu quá lớn khiến nhiều hiệu trưởng lo ngại đến bao giờ mới thu hồi vốn hay lấy nguồn ở đâu ra?

“Đầu tư cho chuyển đổi số là một quá trình đầu tư dài hạn và có tầm nhìn chiến lược dài hạn. Như trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, đầu tư hơn 80 tỷ đồng để xây dựng nguồn trung tâm dữ liệu lớn. Nhiều ý kiến cho rằng đầu tư nhiều tiền như vậy thì bao giờ mới lấy lại được.

Nhưng nếu nghĩ xa hơn thì số tiền đó sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho nhà trường. Dựa trên trung tâm dữ liệu lớn ấy để tạo ra những phòng học ảo, đại học ảo, tạo ra công nghệ quản lý, nghiên cứu về AI… Còn những ứng dụng như: Zoom hoặc nền tảng Microsoft chỉ là dùng để học từ xa thôi”, thầy Dũng chia sẻ thêm.

Phó Giáo sư Bùi Trung Thành - Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên cho rằng, chuyển đổi số thực sự mang lại rất nhiều lợi ích trên tất cả các mặt cho mọi tổ chức từ điều hành quản lý đến nghiên cứu, kinh doanh, tổ chức thực hiện…

Những lợi ích dễ nhận biết nhất của chuyển đổi số đối với tổ chức là giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, tối ưu hóa được năng suất làm việc của người lao động.

Kết quả là, chuyển đổi số tăng hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, giá trị của tổ chức được nâng cao. Chuyển đổi số làm thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và giao dịch với nhau.

Còn đối với các tổ chức, chuyển đổi số dùng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi trải nghiệm người dùng với các dịch vụ do tổ chức cung cấp, thay đổi quy trình nghiệp vụ, thay đổi mô hình và phương thức hoạt động của tổ chức.

Các nghiên cứu của Microsoft cho thấy, chuyển đổi số đóng góp vào sự tăng trưởng năng suất lao động 15% vào năm 2017 và 21% vào năm 2020”.

Theo thầy Thành thì có một “cuộc đua” trong việc áp dụng chuyển đổi số trong các tổ chức đang thực sự diễn ra.

Tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Phan Ngọc Sơn – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai cũng đã chỉ ra một số vấn đề thách thức khi chuyển đổi số. Đó là tốn chi phí cao trong giai đoạn đầu do phải loại bỏ các trang thiết bị, phần mềm, quy trình quản trị cũ đồng thời đầu tư mới thiết bị, công nghệ tiên tiến, hiện đại, chất lượng. Nguy cơ mất nhân sự do không theo kịp yêu cầu của chương trình chuyển đổi; Nguy cơ mất kiểm soát nếu không giám sát quyết liệt từ đầu; Rủi do khi hệ thống công nghệ bị lỗi cục bộ nếu không có phương án dự phòng...

AN NGUYÊN