Chuyển công tác HT, hiệu phó THPT Lương Văn Can: Thầy cô nêu nhiều băn khoăn

21/02/2023 06:43
Mỹ Tiên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc điểu chuyển hiệu trưởng và hiệu phó Trường Trung học phổ thông Lương Văn Can, Quận 8, TPHCM đang thu hút sự quan tâm của đông đảo giáo viên cả nước.

Câu chuyện 9 thầy cô đang là tổ trưởng, tổ phó chuyên môn, thư ký hội đồng trường trung học phổ thông Lương Văn Can bị hiệu trưởng là ông Nguyễn Tấn Sĩ thông báo cách chức, mà không có lý do nào chính đáng được đưa ra cùng với việc bổ nhiệm các tân tổ trưởng, tổ phó không theo trình tự thủ tục, không theo quy trình miễn nhiệm, bổ nhiệm làm dậy sóng cộng đồng giáo dục.

Bắt nguồn từ việc tại kỳ lấy phiếu tín nhiệm ở Trường trung học phổ thông Lương Văn Can, Quận 8 để chuẩn bị cho việc bổ nhiệm phó hiệu trưởng nhiệm kỳ thứ 2, cô Thủy đã không đạt đủ số phiếu tín nhiệm cần thiết.

Sau đó, tại nhiều cuộc họp khác nhau ở trường, thầy Nguyễn Tấn Sĩ – Hiệu trưởng đã nói rằng, những giáo viên không bỏ phiếu tín nhiệm cho cô Thủy là những người gây mất đoàn kết, không có chính kiến, dùng lá phiếu của mình hạ uy tín người khác,...

Sự việc "lùm xùm" này tạm lắng xuống khi Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu thu hồi các quyết định bổ nhiệm mới.

Tuy nhiên, sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo có quyết định điều chuyển ông Nguyễn Tấn Sĩ sang làm hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Linh lại có nhiều dư luận trái chiều.

Tiếp theo đó, vụ việc lùm xùm hiệu trưởng "quên" chi trả tiền khen thưởng cho giáo viên cũng khiến dư luận bức xúc.

Ngày 19/2, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết "Nguyên Phó HT THPT Lương Văn Can về làm chuyên viên Thanh tra Sở GD TPHCM", dư luận lại có phen "dậy sóng".

Một vị hiệu trưởng ký nhiều quyết định trái quy định của pháp luật lại được điều làm hiệu trưởng một ngôi trường khác, một nguyên phó hiệu trưởng không đủ uy tín, tín nhiệm lại được điều về Sở Giáo dục và Đào tạo làm nhiệm vụ thanh tra giáo dục.

Những quyết định của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, khó tạo được đồng thuận trong giáo viên và gây nhiều băn khoăn về công tác cán bộ.

Ảnh minh họa - P.L

Ảnh minh họa - P.L

Theo tôi, điều chuyển không làm hiệu trưởng trường THPT Lương Văn Can là đúng, nhưng...

Sau vụ việc ban hành các quyết định không đúng quy định, trình tự, rất may, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã xử lý vụ việc kịp thời không để sự việc đi quá xa bằng cách yêu cầu hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Lương Văn Can rút lại quyết định miễn nhiệm 9 tổ trưởng, tổ phó, thư ký hội đồng trường và các người này sẽ trở lại vị trí tổ trưởng, tổ phó như trước đây.

Tất nhiên, các quyết định bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó, thư ký mới cũng được thu hồi, hủy bỏ.

Bên cạnh đó, trả lời báo chí ông Nguyễn Tấn Sĩ đã cho rằng “nội bộ trường mất đoàn kết”, “không có chính kiến”, “dùng lá phiếu của mình hạ uy tín người khác”,…

Theo tôi ở đây hiệu trưởng này có nhiều cái chưa đúng đó là: Ban hành quyết định miễn nhiệm trái quy định, ban hành quyết định bổ nhiệm trái quy định và có ý xúc phạm uy tín, danh dự người khác (thông qua phát biểu “nội bộ trường mất đoàn kết”, “không có chính kiến”, “dùng lá phiếu của mình hạ uy tín người khác” không có căn cứ, biên bản làm việc,…) và quy phạm quy định về đạo đức nhà giáo theo Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT, Luật Viên chức.

Như đã nêu, tôi cho rằng hiệu trưởng có nhiều vi phạm trong việc bổ nhiệm, miễn nhiệm này.

Những vi phạm này, không đơn giản là thiếu hiểu biết mà còn gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu,…nên cần phải được xử lý kỷ luật nghiêm khắc, không phải chỉ là rút kinh nghiệm.

Do đó, tôi cho rằng việc Sở Giáo dục và Đào tạo điều chuyển vị này ra khỏi Trường Trung học phổ thông Lương Văn Can là đúng, bởi vì ông ta không còn đủ uy tín để tiếp nhận nhiệm vụ, ông ta cũng không thể đối mặt với 9 người bị miễn nhiệm vô lý và 9 người bị thu hồi quyết định bổ nhiệm, giữ ông ta lại trường thì nội bộ sẽ vô cùng mất đoàn kết.

Nhưng, liệu có thỏa đáng không khi điều chuyển ông ta sang làm hiệu trưởng trường khác khi chưa xử lý dứt điểm vụ việc, cũng không có quyết định kỷ luật nào được ban hành.

Nếu không công khai, minh bạch trong xử lý, điều chuyển, mọi người có quyền nghi ngờ về căn cứ xử lý.

Sở Giáo dục và Đào tạo cần tiến hành thanh tra lại toàn bộ vụ việc một cách cẩn trọng, khách quan, công tâm và công khai cho dư luận.

Bên cạnh đó, việc giáo viên phản ánh "Tiền khen thưởng của thành phố đối với Tập thể đạt danh hiệu Lao động xuất sắc trong hai năm học liền (2018 – 2019 và 2019 – 2020) cùng với 11 giáo viên của trường đạt danh hiệu Lao động xuất sắc trong hai năm học liền (2018 – 2019 và 2019 – 2020) với tổng số tiền là gần 20 triệu đồng đang có nhiều dấu hiệu bị gian lận."

Và, ông Nguyễn Tấn Sĩ – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Lương Văn Can, Quận 8 (bắt đầu từ ngày 20/2/2023 thầy Sĩ sẽ chuyển về làm Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Nguyễn Văn Linh) xác nhận, đúng là thầy "quên" nộp về trường số tiền khen thưởng của trường, của giáo viên.

Người viết cho rằng khó có thể "quên", việc này liên quan đến tài chính, quyền lợi giáo viên nên được thanh tra, kiểm tra một cách rõ ràng.

Nếu vi phạm của ông ta đến mức xử lý kỷ luật thì phải tiến hành kỷ luật để đảm bảo sự tôn nghiêm, nếu sự việc chưa đến mức xử lý kỷ luật thì cũng phải công khai những vi phạm, hạn chế để rút kinh nghiệm trong ngành về việc bổ nhiệm, công khai quy trình bổ nhiệm cán bộ quản lý trường học.

Điều chuyển nguyên phó hiệu trưởng về làm thanh tra Sở có phù hợp?

Cô Trần Thị Thu Thủy không đủ tín nhiệm làm phó hiệu trưởng nhiệm kỳ tiếp. Từ đây bắt nguồn những lùm xùm tại Trường Trung học phổ thông Lương Văn Can. Không biết vì lý do gì, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh lại gấp gáp điều chuyển cô phó hiệu trưởng này về Sở và thực hiện nhiệm vụ thanh tra (một lĩnh vực được coi là tương đối nhạy cảm).

Một phó hiệu trưởng đang không đủ uy tín thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo tại một ngôi trường thì liệu có đủ khả năng, đủ uy tín để thực hiện nhiệm vụ thanh tra của Sở Giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo thông tin tôi được biết, cô Thủy hiện nay là giáo viên đứng lớp là viên chức, theo Luật Viên chức hiện hành, viên chức không thuộc đối tượng điều động.

Ông Hồ Tấn Minh – Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận điều này, và cho biết rằng, cô Thủy chuyển về Sở làm việc theo dạng biệt phái.

Việc biệt phái cũng phải theo trình tự quy định tại Nghị định 115/2020/NĐ-CP như sau:

Theo khoản 1 Điều 27 Nghị định 115/2020/NĐ-CP, việc biệt phái viên chức được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

- Theo nhiệm vụ đột xuất, cấp bách;

- Để thực hiện công việc cần giải quyết trong một thời gian nhất định.

Và, thời hạn biệt phái viên chức không quá 03 năm.

Khoản 4 Điều 27 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập quyết định việc biệt phái viên chức thuộc thẩm quyền quản lý hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật.

Trước khi quyết định biệt phái viên chức, người đứng đầu cơ quan, đơn vị được phân công, phân cấp quản lý viên chức cần gặp gỡ viên chức nêu rõ mục đích, sự cần thiết của việc biệt phái để nghe viên chức đề xuất ý kiến trước khi quyết định theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Theo tôi việc biệt phái cô Thủy về Sở Giáo dục và Đào tạo giai đoạn này là có phần gấp gáp, dễ tạo dư luận không tốt, việc này nên được xem xét thận trọng.

Rõ ràng, thời điểm này, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cần xem xét những phản ánh của giáo viên trường về những khuất tất trong quản lý và vụ việc "quên" chi trả tiền khen thưởng cho giáo viên đến 2 năm.

Và Sở cũng nên xem lại quyết định biệt phái cô Thủy về Sở Giáo dục, giữ nhiệm vụ thanh tra có đúng quy định về biệt phái hay không?

Hiện nay rất cần các cơ quan kiểm tra, thanh tra vào cuộc xử lý vụ việc một cách nhanh chóng và kịp thời, làm rõ đúng sai để lấy lại uy tín, danh dự cho giáo viên và trường học sớm trở lại hoạt động bình thường.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Mỹ Tiên