Chợ Sủi xưa - nay và sự nhếch nhác tại hai khu di tích

22/05/2023 09:24
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chợ Sủi ngày xưa “người đua chen” nhưng không hề làm mất đi những nụ cười tỏa nắng của các cô hàng xén răng đen, vậy chợ Sủi ngày nay thế nào?

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trong buổi làm việc với Huyện ủy Gia Lâm ngày 24/03/2023 đã nhấn mạnh “về định hướng trở thành quận, cấp ủy, chính quyền từ huyện xuống các xã, thị trấn cần xác định rõ là trở thành quận, phải duy trì được sự phát triển bền vững, lâu dài, là quận văn hiến, văn minh, hiện đại”. [1]

Lãnh đạo huyện Gia Lâm đã công bố một số tiêu chí trong các nhiệm vụ định hướng phát triển huyện Gia Lâm thành quận như “đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, quy chuẩn đô thị, hệ thống môi trường, chợ…”. [2]

Do “chợ” được đưa vào “Dự thảo báo cáo đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng của các khu vực dự kiến thành lập quận, phường” huyện Gia Lâm nên bài viết này xin nói đôi chút về một ngôi chợ cách trụ sở cơ quan huyện theo đường chim bay chỉ chừng hai cây số.

Tháng 4 năm 1948, tại chiến khu Việt Bắc, thi sĩ Hoàng Cầm viết bài thơ “Bên kia sông Đuống”, bài thơ có đoạn:

“Ai về bên kia sông Đuống

Có nhớ từng khuôn mặt búp sen

Những cô hàng xén răng đen

Cười như mùa thu tỏa nắng

Chợ Hồ, chợ Sủi người đua chen

Bãi Trầm Chỉ người giăng tơ nghẽn lối”...

Chợ Sủi là ngôi chợ cổ nằm trên địa bàn làng Sủi – nay là thôn Phú Thụy, xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Chợ nằm cách bờ phía Nam sông Đuống (còn gọi là sông Thiên Đức) mà thi sĩ Hoàng Cầm đề cập chưa đến 2 km. Tuyến xe bus 52A, 52B và 204 xuất phát từ Công viên Thống Nhất về các xã Phú Thị, Kim Sơn có điểm dừng ghi là “Chợ Sủi – Đường Ỷ Lan”.

Bài thơ “Bên kia sông Đuống” là nói về phía Nam dòng sông này, nơi đó còn có nhiều chợ nổi tiếng như chợ Dâu, chợ Keo, chợ Vàng, chợ Ghênh,... nhưng sao Hoàng Cầm lại chọn đưa vào thơ mình chợ Hồ và chợ Sủi?

Có thể chợ Hồ gắn với dòng tranh Đông Hồ nổi tiếng, điều này chưa thể khẳng định song chợ Sủi gắn với làng Sủi, ngôi làng có “Nhất môn tam tiến sĩ; Đồng triều tứ thượng thư” (một nhà (ngõ) có 3 vị tiến sĩ, cùng lúc trong triều có bốn vị thượng thư) thì chắc chắn không thể nghi ngờ.

Chợ Sủi ngày xưa “người đua chen” nhưng không hề làm mất đi những nụ cười tỏa nắng của các cô hàng xén răng đen, vậy chợ Sủi ngày nay thế nào?

Từ cổng chợ Sủi hướng tới đường Nguyễn Huy Nhuận chiều ngày 20/05/2023

Từ cổng chợ Sủi hướng tới đường Nguyễn Huy Nhuận chiều ngày 20/05/2023

Hơn chục năm trước, ngày 26/01/2012, báo điện tử Hanoimoi.com.vn trong bài “Nhớ chợ Sủi xưa” viết:

“Chợ Sủi (Phú Thị, Gia Lâm) sẽ là một trong 46 chợ trung tâm trong tương lai. Quy hoạch đã có, hình hài không biết ra sao, nhưng cái chợ Sủi của ngày xửa ngày xưa với cổ thụ tỏa bóng sum suê vẫn in đậm trong ký ức người dân Kinh kỳ hoài cổ”. [3]

Xung quanh chợ Sủi trong vòng bán kính 2 km là khu đô thị Đặng Xá, Khu Công nghiệp vừa và nhỏ Phú Thụy, điểm du lịch Dương Xá,...

Cho đến năm 2023 này cư dân chung quanh chợ Sủi không chỉ nặng lòng với chuyện chợ Sủi “hình hài không biết ra sao” mà còn không khỏi sửng sốt khi “cái chợ Sủi của ngày xửa ngày xưa với cổ thụ tỏa bóng sum suê” bỗng bị biến thành "tội đồ" khiến quang cảnh bên ngoài hai khu di tích cấp thành phố và di tích được Nhà nước xếp hạng “Di tích Kiến trúc nghệ thuật”.

Nói cụ thể hơn là sau khi có chủ trương từ chính quyền cấm họp chợ trên đoạn đường từ cổng chợ Sủi đến đường Nguyễn Huy Nhuận, những người nông dân mang sản phẩm nhà làm ra chợ bán bị bắt buộc phải chuyển vào khu vực chợ đã giao cho tư nhân đấu thầu. Vì không gian trong chợ đã kín hết nên họ phải bày hàng ngay trên đường vào các khu di tích.

Năm 1989, khu di tích đình - đền - chùa Phú Thị (làng Sủi) được Nhà nước xếp hạng “Di tích Kiến trúc nghệ thuật”.

Năm 2016, khu lưu niệm danh nhân Cao Bá Quát được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh - thành phố.

Tuy nhiên, hiện giờ, người dân khu vực này không khỏi chạnh lòng trước cảnh quan, không gian của khu di tích đã được Nhà nước xếp hạng “Di tích Kiến trúc nghệ thuật”.

Người dân bán hàng gần cổng chợ Sủi (Ảnh chụp ngày 16/05/2023)

Người dân bán hàng gần cổng chợ Sủi (Ảnh chụp ngày 16/05/2023)

Họp chợ trên lối vào khu di tích đình - đền - chùa làng Sủi

Họp chợ trên lối vào khu di tích đình - đền - chùa làng Sủi

Bán hàng ngay thềm cửa khu lưu niệm danh nhân Cao Bá Quát.

Bán hàng ngay thềm cửa khu lưu niệm danh nhân Cao Bá Quát.

Chợ Sủi không chỉ là cảm hứng bay bổng cho thơ ca cách mạng, cho nhiều tác phẩm báo chí trên truyền thông xã hội mà hoạt động thường nhật của nó là một phần không thể thiếu với cuộc sống hàng ngày của nhiều gia đình nông dân, công nhân các khu dân cư xung quanh chợ.

Nhiều tác giả và tác phẩm đề cập chuyện “Làng khoa bảng”, tiêu chí để công nhận “Làng khoa bảng” là làng đó phải có ít nhất 10 vị đỗ đại khoa trong các kỳ thi cấp quốc gia trải suốt chiều dài lịch sử đất nước. Sau nhiều sàng lọc, cả nước chỉ có 20 làng khoa bảng.

Làng Sủi là một trong 06 làng khoa bảng của Thủ đô Hà Nội: làng Đông Ngạc huyện Từ Liêm; làng Tả Thanh Oai huyện Thanh Oai; làng Hạ Yên Quyết huyện Từ Liêm; làng Nguyệt Áng huyện Thanh Trì; làng Phú Thụy (làng Sủi) huyện Gia Lâm, làng Chi Nê huyện Chương Mỹ.

Có người nêu câu hỏi, nếu không có chợ Sủi, liệu làng Sủi có trở thành một trong 20 làng khoa bảng của cả nước?

Nói thế để thấy chợ Sủi không phải của riêng làng Sủi, càng không phải ngôi chợ cổ nhiều trăm năm tuổi nay muốn bỏ vào chỗ nào cũng được.

Chợ dân sinh là câu chuyện đã được nói đến quá nhiều, liệu nói thêm một lần nữa có phải là thừa?

Nhiều cán bộ hưu trí, giáo viên đã về hưu... đã có những trao đổi về chuyện nên di chuyển chợ Sủi ra khu ruộng hình tam giác bỏ hoang gần 30 năm nay, cách chợ hiện tại chỉ hơn trăm mét. Muốn làm được chuyện đó phải giải phóng mặt bằng và điều đó chỉ có thể thực hiện nếu chính quyền huyện, thành phố vào cuộc.

Rồi đây huyện Gia Lâm sẽ thành quận, rồi thì làng Sủi sẽ nằm trong một phường nào đó nhưng chợ Sủi không thể xóa bỏ, không thể đi theo vết xe của chợ Hôm, chợ Hàng Da sau khi biến thành thứ chợ lai căng vừa chợ vừa siêu thị thì “vắng như chùa bà Đanh”.

Chợ Sủi là chợ dân sinh và phải được quan tâm đúng mực nếu huyện Gia Lâm muốn trở thành quận văn hiến.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Chinh-tri/1059194/dua-huyen-gia-lam-tro-thanh-quan-dan-phai-giau-kinh-te-phai-manh

[2] https://kinhtedothi.vn/huyen-gia-lam-thong-qua-du-thao-de-an-thanh-lap-quan.html

[3] http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/1000_nam_thang_long/536802/nho-cho-sui-xua

Xuân Dương