Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT. Trong đó có nhiều điểm mới về hình thức xét tuyển sớm.
Cụ thể, cơ sở đào tạo có thể tổ chức xét tuyển sớm theo phương thức phù hợp để tuyển chọn những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội. Chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo.
Giới hạn chỉ tiêu xét tuyển sớm là định hướng đúng đắn
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Hải Hoàn - Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng cho biết: “Hiện tại Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng đang trong quá trình nghiên cứu dự thảo và xây dựng quy chế tuyển sinh năm 2025.
Dự kiến sẽ có một số thay đổi để phù hợp với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, ban hành kèm Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT ngày 6/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian sắp tới”.
Trong những năm gần đây, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng sử dụng hình thức xét tuyển sớm chủ yếu theo phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập trung học phổ thông (học bạ).
“Từ năm 2025, nếu chỉ tiêu xét tuyển sớm dự kiến giảm xuống 20%, tôi cho rằng điều này là một định hướng đúng, nhằm giúp các trường giảm dần tỷ lệ thí sinh ảo ở đợt xét tuyển sớm", Tiến sĩ Nguyễn Hải Hoàn nhận định.
Cũng theo thầy Hoàn, trước đây, không ít trường đại học phải đối mặt với việc học sinh nộp hồ sơ xét tuyển sớm không chỉ 1 trường mà nộp hồ sơ nhiều trường. Sau khi đỗ xét tuyển sớm, thí sinh vẫn tiếp tục xét tuyển trong đợt xét chính thức bằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Điều này khiến các cơ sở giáo dục phải tăng số lượng hồ sơ rồi giảm dần để “lọc ảo”.
Tuy nhiên, nếu siết chỉ tiêu xét tuyển sớm xuống 20%, các trường sẽ có những điều chỉnh để “lọc ảo” ngay từ đầu, giúp tăng chất lượng đầu vào. Nhà trường cũng sẽ tập trung hơn vào 80% chỉ tiêu xét tuyển còn lại.
Dù vậy, các cơ sở đào tạo phải cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng. Tiến sĩ Nguyễn Hải Hoàn nhấn mạnh: “Hiện nay, chưa có hệ thống chung để quản lý dữ liệu thí sinh xét tuyển, trúng tuyển sớm. Chính vì thế, việc công bố số lượng trúng tuyển sớm chủ yếu thông qua kinh nghiệm. Do đó, tôi rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra hướng dẫn để các trường có thể tham khảo khi triển khai công tác xét tuyển sớm”.
Ủng hộ việc siết chỉ tiêu xét tuyển sớm không quá 20%, Thạc sĩ Lê Ngọc Chiến - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Hợp tác đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương chia sẻ: “Với các trường có thể xét tuyển sớm bằng phương thức xét tuyển thẳng, xét học bạ hay các hình thức ưu tiên theo quy định riêng của từng trường, việc giới hạn 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm sẽ giúp nâng cao chất lượng đầu vào.
Vị giám đốc này cho biết, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương hiện xét tuyển sớm với các thí sinh có giải thưởng về âm nhạc, nghệ thuật, theo đề án của trường. Vì vậy, số lượng thí sinh trúng tuyển trong đợt xét tuyển sớm rất ít. Với các trường đào tạo năng khiếu, việc siết chỉ tiêu như trên sẽ không ảnh hưởng tới công tác tuyển sinh sớm.
Thay vào đó, các trường năng khiếu sẽ tập trung toàn lực vào đợt xét tuyển chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trường đại học điều chỉnh kế hoạch xét tuyển, đề xuất không áp dụng ngay việc siết chỉ tiêu
Còn theo quan điểm của Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh: “Giới hạn chỉ tiêu xét tuyển sớm xuống 20% sẽ có tác động tới các trường đại học có tỷ lệ xét tuyển sớm cao.
Hiện nay, nhiều trường đại học đã dự kiến chỉ tiêu xét tuyển sớm bằng học bạ trung học phổ thông, điểm thi đánh giá năng lực, tuyển thẳng theo đề án của trường,... Có rất nhiều phương thức khác nhau. Nếu bắt buộc chỉ tiêu xét tuyển sớm còn 20% thì sẽ có phần khó khăn cho đội ngũ tuyển sinh”.
Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến không thực hiện xét tuyển sớm trong năm 2025. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn cho biết, nếu dự thảo được thông qua, trường dự kiến chỉ thực hiện đợt xét tuyển chung và điều chỉnh chỉ tiêu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, các trường đại học đã dự kiến chỉ tiêu xét tuyển sớm bằng học bạ trung học phổ thông, điểm thi đánh giá năng lực, xét tuyển thẳng theo đề án của trường có thể gặp khó khăn nếu dự đoán sai tỷ lệ thí sinh nhập học.
Cụ thể, các trường đại học đã dự kiến chỉ tiêu xét tuyển, tính toán chỉ tiêu dựa vào đội ngũ và diện tích của nhà trường. Trong đó có một phần sinh viên đỗ từ đợt xét tuyển sớm. Nếu ngay lập tức giới hạn chỉ tiêu xét tuyển sớm không quá 20%, bộ phận tuyển sinh sẽ phải thay đổi và tính toán lại đề án tuyển sinh từ đầu.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn kiến nghị, không nên bắt buộc các trường đại học siết chỉ tiêu xét tuyển sớm ngay lập tức. Mà chỉ nên khuyến cáo, đảm bảo việc xét tuyển sớm không vượt quá 20% chỉ tiêu từng ngành, nhóm ngành, đồng thời vẫn duy trì chất lượng đầu vào và đáp ứng nhu cầu tuyển sinh của từng trường.
Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Hải Hoàn nhận định, việc siết chỉ tiêu xét tuyển sớm không quá 20% là định hướng tốt, song bước đầu sẽ khó đảm bảo việc xét tuyển không vượt mức này. Theo thầy Hoàn, hiện tại chưa có hệ thống kiểm soát các thí sinh đăng ký xét tuyển sớm ở nhiều trường đại học, dẫn đến việc các trường khó xác định thí sinh có chắc chắn xác nhận nhập học khi trúng tuyển hay không. Bởi một thí sinh có thể đăng ký xét tuyển sớm cùng lúc nhiều cơ sở, nhưng chỉ nhập học tại một trường.
Tiến sĩ Nguyễn Hải Hoàn đề xuất, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xem xét không cho tổ chức xét tuyển sớm từ năm 2025. Tất cả thí sinh sẽ tập trung đăng ký nguyện vọng theo kế hoạch chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sau khi có dữ liệu nguyện vọng đăng ký của thí sinh, các trường sẽ thực hiện xét tuyển theo các phương thức đã công bố.
“Kết quả sau khi xét tuyển ở các trường sẽ được cập nhật lên hệ thống lọc ảo chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đảm bảo mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng vào một trường duy nhất. Điều này sẽ mang lại một số ưu điểm như hạn chế được thí sinh ảo sau khi xét tuyển và lọc ảo toàn quốc.
Đồng thời, hạn chế nhiều thí sinh do nhầm tưởng đã trúng tuyển sớm và không thực hiện đăng ký lại nguyện vọng theo kế hoạch chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo”, vị tiến sĩ bày tỏ.
Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng cũng cho rằng, nếu triển khai xét tuyển sớm trong năm 2025, sẽ có nhiều trường học lùi thời điểm xét tuyển sớm.
Bởi theo dự thảo, nếu trường đại học sử dụng phương thức xét học bạ, sẽ phải xét 6 kỳ học, thay vì 5 kỳ như trước đây. Trường đại học muốn thêm phương thức xét học bạ vào đợt xét tuyển sớm, buộc phải lùi thời điểm. Việc này cũng giúp học sinh tập trung hoàn thành chương trình học trung học phổ thông, sau đó mới tham gia xét tuyển.
“Chính thay đổi trên sẽ giúp các cơ sở giáo dục lựa chọn được những thí sinh có năng lực học tập tốt hơn. Thí sinh cũng sẽ tập trung vào việc học để hoàn thành chương trình, tránh tình trạng được công nhận trúng tuyển sớm, rồi lơ là việc học hành giai đoạn cuối cấp.
Về phía các trường đại học, việc lùi thời điểm xét tuyển sớm sẽ giúp đội ngũ tuyển sinh có nhiều thời gian chuẩn bị cho cả hai đợt xét tuyển sớm và xét chính thức”, Tiến sĩ Nguyễn Hải Hoàn cho biết.