Chấm vở ghi của học sinh: chiêu thức mới để "lùa" học sinh đi học thêm?

12/12/2022 06:41
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo người viết, ghi bài hay không là quyền của học sinh, không cần ghi vào vở nội dung bài giáo viên dạy khi sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa.

Người viết nhận được chia sẻ của anh Nguyễn Phúc, phụ huynh học sinh lớp 10 ở một thành phố phía nam, anh Nguyễn Phúc cho biết:

“Hồi học cấp hai, con tôi đã “nhận” không ít chiêu trò của giáo viên ép đi học thêm, như gà bài kiểm tra 15 phút hoặc 1 tiết, gà bài kiểm tra miệng … không đi học thêm khó mà đạt học sinh giỏi, vì cháu còn nhỏ, không muốn cháu bị “áp lực”, nên tôi có cho cháu tham gia học thêm.

Con tôi năm nay học lớp 10 công lập, cháu không tham gia bất cứ hình thức học thêm nào từ đầu năm đến nay.

Tôi biết mục tiêu của chương trình giáo dục 2018 là phát triển năng lực, phẩm chất người học, cá nhân hóa người học, mà học thêm là dạng "đồng phục", nên tôi động viên con tự học.

Thế nhưng vừa qua tôi có nhận tin nhắn báo điểm đánh giá thường xuyên của con, môn Toán, đạt 01 điểm.

Tôi rất bất ngờ, cháu không phải khá giỏi môn Toán, nhưng kiến thức cơ bản của sách giáo khoa, bài tập trong sách giáo khoa cháu nắm được, làm được gần hết.

Khi hỏi kĩ, cháu cho biết, điểm 01 do thầy giáo chấm vở ghi bài học, cháu chỉ ghi tên bài, không ghi nội dung bài thầy dạy, vì thầy dạy giống sách giáo khoa, trong sách giáo khoa có đầy đủ rồi nên cháu không ghi, thầy cho 01 điểm.

Cháu cho biết, những bạn trong lớp bị 01 điểm khi chấm vở ghi thầy đều không ghi điểm vào vở như cháu. Những bạn đi học thêm thầy, đều không bị chấm vở ghi như cháu. Tôi nghĩ, đây là “chiêu” mới của thầy giáo ép học sinh đi học thêm.

Dù bị “ép” cháu vẫn không muốn đi học thêm thầy đang dạy trên lớp, cháu cho rằng, đi học thêm mình có quyền chọn thầy, thầy phải xứng đáng là thầy về nhân cách, đạo đức trước đã, thầy ép mình đi học như thế, không đáng đi học.

Tôi cũng cùng quan điểm với cháu, nhưng bài kiểm tra toán giữa kì vừa rồi, cháu vẫn đạt 7 điểm. Bài kiểm tra giữa kì có đáp án, biểu điểm công khai, nên thầy không thể “đì” cháu.

Chấm vở ghi, không có đáp án nào, hướng dẫn nào, thầy đánh giá như thế nào tùy thầy, học trò làm sao biết, chấm vở ghi như vậy học sinh chỉ có “chết””.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Giáo viên nói gì về “chấm vở” để đánh giá học sinh?

Thầy giáo Ngô Quang, một giáo viên dạy Toán sắp về hưu chia sẻ “Ngày trước mình đi học, có thầy dạy Toán mình bê y nguyên sách giáo khoa ra dạy, mấy bài đầu mình còn ghi, sau đó mình chỉ ghi đầu bài rồi chấm hai chấm SGK.

Thầy gọi mình hỏi bài cũ, chấm vở ghi, không thấy mình ghi bài, nên cho mình điểm 01 dù mình trả lời tốt. Thầy hỏi mình tại sao không ghi bài, mình nói, thầy dạy giống sách giáo khoa, em có sách giáo khoa rồi, em xin lỗi thầy, em không ghi để nghe thầy giảng tốt hơn ạ.

Hôm sau thầy hỏi lại bài cũ, mình trả lời tốt, thầy xóa điểm cũ, ghi điểm mới, nhưng từ đó về sau mình thấy nội dung bài dạy của thầy mới hẳn, có những cái mình đề nghị thầy để mình ghi xong mới xóa bảng.

Mình nghĩ, ghi bài giảng của thầy phải do học sinh, thầy không nên bắt buộc, chấm vở của học sinh là chấm nội dung bài tập, nội dung dự án … những cái mà giáo viên có đáp án, biểu điểm đánh giá, chấm bài ghi của học sinh thì không nên.

Giáo viên chấm bài ghi của học sinh, ghi điểm vào sổ, không giải thích cho học sinh hiểu tại sao lại đánh giá như vậy, chứng tỏ giáo viên đó yếu chuyên môn nghiệp vụ, hoặc có ý đồ khác, dễ gây hiểu lầm cho học sinh”.

Người viết có tham khảo thêm ý kiến của giáo viên các bộ môn khác, đều có nhận xét đánh giá tương đồng, không nên chấm vở ghi bài của học sinh, càng không dùng điểm số đó để đánh giá.

Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học

Điều 4 Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT Yêu cầu đánh giá ghi rõ:

1. Đánh giá căn cứ vào yêu cầu cần đạt được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông.

2. Đánh giá bảo đảm tính chính xác, toàn diện, công bằng, trung thực và khách quan.

3. Đánh giá bằng nhiều phương pháp, hình thức, kĩ thuật và công cụ khác nhau; kết hợp giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì.

4. Đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong rèn luyện và học tập của học sinh; không so sánh học sinh với nhau.

Theo đó, yêu cầu cần đạt được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông của học sinh nói chung và trung học phổ thông nói riêng, tuyệt đối không yêu cầu học sinh phải ghi lại bài giảng của giáo viên.

Với những bài giảng của giáo viên đã dùng ngữ liệu có trong sách giáo khoa có cần ghi lại không? Chấm vở ghi nội dung bài học của học sinh để lấy điểm có phải "Đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong rèn luyện và học tập của học sinh" ?.

Theo người viết viết, học sinh ghi nội dung bài học vào vở hay không là quyền của học sinh; bài dạy của giáo viên sử dụng ngữ liệu sách giáo khoa, học sinh không cần ghi vào vở.

Giáo viên chấm vở ghi nội dung bài học của học sinh để lấy điểm làm điểm kiểm tra thường xuyên, là chưa thực hiện đúng Yêu cầu đánh giá của Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT.

Khoản 2 Điều 5 Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT: Đánh giá bằng điểm số, ghi rõ:

a) Giáo viên dùng điểm số để đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học sinh.

b) Đánh giá bằng điểm số được sử dụng trong đánh giá thường xuyên, đánh giá định kì thông qua các hình thức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh phù hợp với đặc thù của môn học.

Như vậy, giáo viên muốn đánh giá bằng điểm số chỉ được sử dụng trong đánh giá thường xuyên, đánh giá định kì thông qua các hình thức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh phù hợp với đặc thù của môn học.

Để đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh phù hợp với đặc thù của môn học, giáo viên phải có kế hoạch, đáp án, biểu điểm về nhiệm vụ rèn luyện và học tập giao cho học sinh.

Chương trình 2018 còn phải dạy thêm, học thêm, e rằng khó mà đạt được mục tiêu “Đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong rèn luyện và học tập của học sinh; không so sánh học sinh với nhau”.

Dạy thêm, học thêm không trong sáng đã và đang làm xói mòn đạo đức xã hội, văn hóa nhà trường và niềm tin của xã hội vào ngành giáo dục.

Người viết kính mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành văn bản quy định rõ ràng, minh bạch về dạy thêm, học thêm đối với Chương trình 2018 và cốt nhất nên cấm dạy thêm với học sinh thực hiện Chương trình 2018.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-22-2021-tt-bgddt-207846-d1.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lê Mai