Các chủ đề dạy học môn Lịch sử ở CTGDPT mới mang tính liên môn cao

02/06/2023 08:58
Khánh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Hầu hết các học sinh bậc trung học phổ thông của nhà trường đều hứng thú, tích cực tham gia trong giờ học Lịch sử của chương trình giáo dục phổ thông mới

Từ năm học 2022 – 2023, khối lớp 10 của bậc trung học phổ thông triển khai giảng dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Mặc dù còn tồn tại một số thách thức, song các trường trung học phổ thông đều đang nỗ lực không ngừng đổi mới phương pháp dạy học để giúp học sinh có thêm nhiều hứng thú với môn Lịch sử.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Phương Giang, giáo viên môn Lịch sử, Trường Nguyễn Siêu (Hà Nội) bày tỏ quan điểm, nội dung của môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 có tính khoa học, phát triển năng lực học sinh;

Bên cạnh đó, các chủ đề dạy học mang tính thực tế, không bị lặp lại; mang tính liên môn cao.

Học sinh lớp 11 Nguyễn Siêu trong tiết học Lịch sử tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò vào giữa tháng 4/2023 vừa qua (Ảnh: NTCC).

Học sinh lớp 11 Nguyễn Siêu trong tiết học Lịch sử tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò vào giữa tháng 4/2023 vừa qua (Ảnh: NTCC).

Tuy nhiên, năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên chương trình mới triển khai ở bậc trung học phổ thông, do vậy, quá trình chuẩn bị, soạn bài giảng cũng như giảng dạy bộ môn Lịch sử đã gặp một số khó khăn.

Thứ nhất, chương trình thiết kế bài giảng mang tính thực tiễn, ứng dụng, giáo viên có thể lấy các ví dụ để làm phong phú bài dạy hơn. Từ đó, giúp người học hiểu được tại sao mọi người đều cần có tri thức lịch sử, cần học tập và khám phá lịch sử suốt đời. Đó là những nội dung và mục tiêu mà 2 chủ đề này hướng tới. Nhưng đối với học sinh đại trà thì những kiến thức này lại mang tính học thuật khá cao.

Thứ hai, do phải giảm tải về nội dung và giảm số tiết dạy (từ 70 tiết xuống 52 tiết/năm học) khi Lịch sử trở thành môn học bắt buộc, để không làm xáo trộn quá nhiều khi Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đã ban hành và sách giáo khoa đã biên soạn xong, Ban Phát triển chương trình đành phải cắt giảm một cách cơ học nhiều nội dung của các chủ đề.

Điều này dẫn tới việc không thể tránh khỏi sự phá vỡ tính logic và tính hệ thống của mỗi chủ đề. Ví dụ, khi dạy về lịch sử văn minh mà không nói gì về cơ sở hình thành hay bối cảnh lịch sử...thì không chỉ thiếu tính logic mà còn không thể hiểu được cặn kẽ những thành tựu văn minh và giá trị của nó đối với văn minh khu vực và thế giới nói chung.

Điều kiện tự nhiên, quá trình phát triển lịch sử của quốc gia, khu vực và quá trình giao lưu, ảnh hưởng văn hóa...là những nhân tố không chỉ tạo nên thành tựu mà còn tạo nên bản sắc riêng của mỗi nền văn minh.

Thứ ba, trong cùng một nội dung nhưng các bộ sách giáo khoa của các nhà xuất bản có sự vênh nhau về đơn vị kiến thức.

Để khắc phục những vướng mắc, khó khăn đang tồn tại, Trường Nguyễn Siêu (Hà Nội) cùng các giáo viên môn Lịch sử của trường đã thực hiện nhiều giải pháp hữu hiệu như:

Giáo viên chủ động tham gia các buổi tập huấn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức. Tổ nhóm chuyên môn sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học về nội dung giảng dạy bộ môn để tìm phương pháp dạy học cho từng nội dung bài học cụ thể.

Bên cạnh đó, trong các giờ học, giáo viên bộ môn cũng thường xuyên sử dụng đa dạng, phong phú các kiến thức, phương pháp dạy học với yêu cầu là lấy học sinh làm trung tâm.

Môn Lịch sử trở thành môn học bắt buộc và tới năm 2025 sẽ là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Nhằm chuẩn bị cho điều này, giáo viên môn Lịch sử của trường đã hướng tới việc dạy học sinh theo hệ thống kiến thức của từng chủ đề, tăng cường rèn kĩ năng cơ bản của môn sử học như: tự học, tự nghiên cứu, trả lời câu hỏi, ra đề kiểm tra theo định hướng phát triển năng lực của học sinh.

Không những vậy, giáo viên giảng dạy bộ môn còn tập trung hướng vào việc phát triển năng lực tập trung cho học sinh trong bộ môn Lịch sử như: tìm hiểu Lịch sử, nhận thức và tư duy Lịch sử, vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học.

Qua thời quan thực hiện những giải pháp, chiến lược của mình nhằm hướng đến thực hiện mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tổ bộ môn Lịch sử nói riêng và Trường Nguyễn Siêu nói chung đã gặt hái được một số thành quả nhất định:

Trong năm học 2022 – 2023, khi thực hiện và triển khai những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy bộ môn Lịch sử nói chung và chương trình Lịch sử lớp 10 nói riêng, hầu hết học sinh vui vẻ, hứng thú, tích cực tham gia trong giờ học.

Hơn nữa, trong các giờ học Lịch sử, học sinh có cơ hội được phát huy sự sáng tạo, sự tự tin khi trình bày các vấn đề lịch sử mà học sinh tìm hiểu và trình bày trên lớp.

Ngoài ra, các giáo viên luôn tích cực, có động lực thay đổi và tìm kiếm các phương pháp dạy học hiệu quả trong các giờ học nhằm nâng cao hiệu quả bài dạy và nâng cao sự hứng thú cho học sinh trong các giờ học Lịch sử.

Đặc biệt, 100% giáo viên bộ môn Lịch sử của nhà trường đều tham gia tích cực cộng đồng giáo viên Lịch sử thành phố Hà Nội để học hỏi kinh nghiệm giảng dạy bộ môn và những giải pháp thực hiện chương trình Lịch sử lớp 10.

Với sự nỗ lực của từng cá nhân giáo viên bộ môn Lịch sử, trong năm học 2022 – 2023, tổ bộ môn đã có 01 giáo viên tham gia dự thi giáo viên giỏi cấp Thành phố đạt giải Nhì môn Lịch sử (chương trình lớp 10); học sinh đạt 02 giải Ba, 03 giải Khuyến khích trong cuộc thi Olympic Liên cụm Thành phố Hà Nội môn Lịch sử 10.

Khánh An