Cả nước có 2.000 cán bộ đăng kiểm, vụ tiêu cực khiến mất 1/3 cán bộ

08/06/2023 06:20
Huệ Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- ĐBQH quan tâm đến vụ việc đăng kiểm và bài học trong công tác phòng, chống tham nhũng ngày càng thực chất, đảm bảo yêu cầu “đánh chuột không để vỡ bình”.

Chiều ngày 7/6, sau khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ ba, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực giao thông vận tải với những nội dung trọng tâm gồm:

(1) Giải pháp hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hạn chế tai nạn giao thông trong cả nước, giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn.

(2) Trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động kiểm định; giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng công tác kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, đường thủy nội địa.

(3) Quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện; công tác đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi và quản lý giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa.

Chịu trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Công an, Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều ngày 7/6. Ảnh: quochoi.vn.

Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều ngày 7/6. Ảnh: quochoi.vn.

Nhiều vụ việc xảy ra trong hoạt động đăng kiểm gây ra hệ lụy lớn

Theo Đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình), cử tri đề nghị mở lại các trung tâm đăng kiểm.

Cụ thể, nữ đại biểu trình bày: “Trong thời gian qua, tại các trung tâm đăng kiểm nhiều nơi đã đóng cửa, gây bức xúc và khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Qua tiếp xúc cử tri, có nhiều ý kiến đề nghị tạo điều kiện để mở lại các trung tâm này. Đề nghị Bộ trưởng cho biết, có giải pháp gì để sớm triển khai nội dung này”.

Về chất vấn của đại biểu liên quan đến hoạt động đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, đến thời điểm này, chỉ còn 2 tỉnh là Hòa Bình và Bắc Kạn chưa trở lại hoạt động do thiếu cán bộ, đăng kiểm viên. Bộ trưởng đã trực tiếp làm việc với địa phương và Bộ đã trực tiếp đào tạo nhân lực do địa phương giới thiệu để thi tuyển, cấp chứng chỉ để có thể giữ chức vụ lãnh đạo của Trung tâm đăng kiểm.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời cất vấn chiều ngày 7/6. Ảnh: quochoi.vn.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời cất vấn chiều ngày 7/6. Ảnh: quochoi.vn.

Còn về đăng kiểm viên, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với Sở Giao thông vận tải tỉnh Hòa Bình chuẩn bị đầy đủ, dự kiến sẽ sớm mở lại Trung tâm đăng kiểm này.

Phát biểu tranh luận, Đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) cho biết: “Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho rằng, việc đăng kiểm phương tiện cơ giới trong thời điểm hiện nay thì không đáng lo. Bộ trưởng trả lời như vậy chỉ đúng một phần, bằng một số giải pháp cấp bách hiện tại như là sửa ban hành Thông tư 08, kéo giãn thời gian đăng kiểm đối với chu kỳ đăng kiểm phương tiện cá nhân dưới 7 chỗ. Đây chỉ là giải pháp trước mắt”.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông). Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông). Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang nhận thấy, với 75% các trung tâm tăng trưởng hiện nay là do các doanh nghiệp ngoài nhà nước đang thực hiện. Doanh nghiệp ngoài nhà nước khi đầu tư thì họ phải thu hồi lại vốn. Tuy nhiên, với cơ chế tài chính như hiện nay, Đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng, rất khó để các doanh nghiệp này có thể duy trì được các trung tâm đăng kiểm mà họ xin phép đã được thành lập.

Do đó, thời gian tới, vị đại biểu đề nghị cần có đổi mới về cơ chế tài chính, tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp ngoài Nhà nước thực hiện, đây mới là giải pháp có thể đảm bảo tính lâu dài. Còn nếu chỉ kéo giãn ra và vẫn giữ cơ chế tài chính như hiện nay thì rất khó có thể tồn tại các trung tâm đăng kiểm do doanh nghiệp ngoài Nhà nước thực hiện như hiện nay.

Trả lời ý kiến tranh luận của Đại biểu Nguyễn Trường Giang, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết: “Những vụ việc xảy ra trong hoạt động đăng kiểm vừa qua hết sức nghiêm trọng, đã gây ra các hệ lụy rất lớn, nhân dân, doanh nghiệp cũng phải chờ đợi, rất vất vả trong hoạt động đăng kiểm, đi ngược, đi xuôi cũng không đăng kiểm được. Có tới 600 lãnh đạo Cục Đăng kiểm, cán bộ, công chức, viên chức, các đăng kiểm viên bị khởi tố.

Chúng ta có 281 đơn vị đăng kiểm thì có tới 106 Trung tâm đăng kiểm phải đóng cửa. Chính vì thế, vừa qua chúng tôi phối hợp rất chặt chẽ với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an để tập trung tháo gỡ vào vấn đề làm thế nào để khôi phục lại toàn bộ hoạt động đăng kiểm phục vụ cho người dân và doanh nghiệp. Ngay từ khi bắt đầu về nhận công tác tôi đã rất chủ động trong việc nghiên cứu để làm thế nào điều chỉnh lại các quy định đăng kiểm cho phù hợp với thông lệ quốc tế, đặc biệt là tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân.

Vừa qua Bộ đang triển khai cùng một lúc 2 việc: Một là, khắc phục để phục hồi lại hoạt động của các Trung tâm đăng kiểm. Hai là, cùng với việc đó thì phải thực hiện rà soát lại toàn bộ hoạt động đăng kiểm để hiện đại, thông thoáng, vẫn đảm bảo chặt chẽ nhưng phải đảm bảo thông thoáng.

Vừa qua Bộ đã ban hành Thông tư 02, có 2 điểm đáng lưu ý: Một là, vấn đề miễn đăng kiểm lần đầu cho các xe mới. Hai là, giãn chu kỳ đăng kiểm để phù hợp với quy định của các nước trong khu vực. Chắc chắn việc này sẽ giảm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Cùng với việc đó, vừa qua chúng tôi tiếp tục sửa đổi Thông tư 16, ban hành Thông tư 08 trong việc khi giãn thì tự động giãn, không cần thiết phải đem xe đến, phải khám xe sau đó mới cấp tem kiểm định, vừa đỡ lãng phí và người dân không phải đem đến. Chúng ta làm được việc này thì tiết kiệm được thời gian cho 1.390.000 xe.

Cùng với việc đó thì còn 3 việc nữa chúng ta phải xử lý nốt để hoạt động đăng kiểm chắc chắn sẽ trở lại bình thường.

Việc thứ nhất, chúng ta phải thực hiện liên quan đến việc liên quan đến việc điều chỉnh cơ chế tài chính như đại biểu nói là chúng ta phải làm. Vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với Bộ Tài chính và đã đưa vào dự thảo Luật Giá để loại bỏ giá đăng kiểm ra khỏi danh mục giá mà hiện nay chúng ta đang quản lý, để thị trường quyết định. Vì hiện nay, tới trên 75% là doanh nghiệp tư nhân làm, do vậy để thị trường quyết định việc này, có như thế mới đảm bảo được thu nhập cho các đăng kiểm viên.

Đúng như Đại biểu Nguyễn Trường Giang nói, việc này chúng tôi cũng đã làm rồi. Ngoài ra, chúng tôi đang tiếp tục tập trung mạnh mẽ vào việc tuyển dụng và đào tạo cán bộ đăng kiểm, để thời gian trong vòng 3 tháng này chúng ta có đủ lực lượng để bố trí trở lại cho tất cả các trung tâm đăng kiểm, như vậy tất cả các dây chuyền đăng kiểm khi có đủ nhân lực rồi sẽ hoạt động trở lại bình thường, cùng với việc chúng ta giãn điều chỉnh các kỳ đăng kiểm, như vậy chúng ta không bị áp lực nữa.

Chúng tôi đang đưa vào các ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát chặt chẽ, giảm thiểu tối đa việc kiểm định thủ công, đồng thời thực hiện việc đăng ký đăng kiểm qua mạng và thanh toán cũng chuyển khoản hết. Chúng ta làm như nước ngoài, đúng ngày giờ thì chủ phương tiện đem phương tiện đến, không phải xếp hàng như trước đây...”.

Từ vụ việc đăng kiểm, rút ra bài học phòng chống tham nhũng, tiêu cực “đánh chuột không vỡ bình”

Tranh luận về nội dung mà Đại biểu Đặng Bích Ngọc đã đề cập, Đại biểu Trần Thị Kim Nhung (đoàn Quảng Ninh) nêu rõ: “Trong trả lời của Bộ trưởng có nêu về thiếu hụt nhân viên đăng kiểm. Tôi cho rằng, nguyên nhân thiếu hụt nhân viên đăng kiểm này cũng có một phần trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải mà Bộ trưởng chưa chỉ ra.

Trong báo cáo 455 của Bộ gửi đến Quốc hội cũng có nêu, tình trạng ùn ứ phục vụ nhân dân cũng như là khủng hoảng hoạt động đăng kiểm.

Đại biểu Trần Thị Kim Nhung (đoàn Quảng Ninh). Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Trần Thị Kim Nhung (đoàn Quảng Ninh). Ảnh: quochoi.vn.

Đây có phải là trách nhiệm chậm trễ trong việc không chủ động hoặc là chưa phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan để kịp thời đưa ra một phương án ứng phó thay thế trước khi dẫn đến tình huống phải tạm dừng hoạt động hoặc là thiếu hụt nhân lực đăng kiểm vì Bộ Giao thông vận tải là một cơ quan giúp cho Chính phủ trong quản lý về đăng kiểm thì Bộ sẽ là người hiểu hơn ai hết về tác động tiêu cực, gây xáo trộn đến đời sống của người dân cũng như trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nếu như thiếu dịch vụ về đăng kiểm.

Theo tôi, đây cũng là vấn đề cần phải bảo đảm để quán triệt yêu cầu mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh về bài học mà Bác Hồ và ông cha ta đã dạy là trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải làm sao có cách làm khôn khéo để “đánh chuột không vỡ bình”, tức là phải giữ được sự ổn định, mà ở đây chính là sự ổn định trong thực thi công vụ để bảo đảm phục vụ người dân, doanh nghiệp, giữ được hoạt động bình thường.

Đây cũng là vấn đề tôi rất mong muốn Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm rõ thêm trách nhiệm của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành”.

“Nhân đây, cho phép tôi được gửi đến Phó Thủ tướng Lê Minh Khái một đề nghị, thông qua vụ việc đăng kiểm lần này, rút ra bài học kinh nghiệm gì trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới, để bảo đảm được công tác phòng, chống tham nhũng ngày càng thực chất, thực sự có hiệu quả, thay đổi về chất nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu “đánh chuột không để vỡ bình”?” - nữ đại biểu bày tỏ.

Trả lời tranh luận của Đại biểu Trần Thị Kim Nhung liên quan đến trách nhiệm của Bộ về vấn đề thiếu cán bộ đăng kiểm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết: “Như tôi đã trao đổi, vụ việc đăng kiểm xảy ra là hết sức đáng tiếc. Chúng ta chỉ có tổng số hơn 2.000 đăng kiểm viên mà chúng ta đã mất tới gần 1/3 và để tuyển dụng được một đăng kiểm viên là đã mất rất nhiều thời gian.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trả lời tranh luận. Ảnh: quochoi.vn.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trả lời tranh luận. Ảnh: quochoi.vn.

Đào tạo, tuyển dụng, tuyển dụng và trải qua rất nhiều bước đào tạo để cấp chứng chỉ, nếu đúng theo quy trình bây giờ phải mất cả năm. Đây là một vấn đề, cho nên khi vụ việc đăng kiểm xảy ra thì Bộ Giao thông vận tải đã phải xử lý tình huống bằng một số việc:

Một là, phải đề nghị Bộ Công an, đề nghị Bộ Quốc phòng hỗ trợ lực lượng đăng kiểm của Bộ Công an, của Bộ Quốc phòng sang.

Thứ hai, phải huy động đăng kiểm viên ở tất cả các trung tâm đăng kiểm trong toàn quốc để về các trung tâm đăng kiểm đang thiếu hụt để hỗ trợ và thậm chí còn phải mời gọi cả những bác, những chú đăng kiểm viên mới nghỉ hưu nhưng còn đủ sức khỏe để quay lại làm việc, làm việc ngoài giờ, không kể ngày nghỉ, không có ngày Tết...

Đây là một trường hợp bất khả kháng và trong quá trình vừa qua thì tôi cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt việc này, hiện nay Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đã tuyển dụng được và chuẩn bị được nguồn nhân lực khoảng 350 nhân lực đăng kiểm viên và cùng với việc là sắp tới sẽ trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh lại Nghị định 139 quy định về hoạt động đăng kiểm để chúng ta có cơ chế điều chỉnh lại, không nhất thiết một dây chuyền đăng kiểm phải có tới 3 đăng kiểm viên. Như vậy, chúng ta sẽ tận dụng được thêm một số đăng kiểm viên, nguồn nhân lực phục vụ cho công tác đăng kiểm trong thời gian tới chắc chắn sẽ đầy đủ.

Tôi cũng xin cam kết với các đại biểu Quốc hội là chỉ trong vòng hết tháng 6 này và chậm nhất không quá đầu tháng 7, thực ra bây giờ đã hoạt động trở lại bình thường rồi, nhưng chắc chắn các trung tâm đăng kiểm sẽ hoạt động trở lại bình thường”.

Đại biểu Trần Thị Kim Nhung tranh luận thêm: “Bộ trưởng đã đề cập một phần vấn đề mà tôi đã trao đổi. Tuy nhiên, tôi cho rằng chưa rõ vấn đề có sự chậm trễ của Bộ Giao thông vận tải trong việc chủ động đưa ra hoặc phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành hữu quan để đưa ra phương án ứng phó, thay thế trước khi để xảy ra tình huống tạm dừng hoạt động và thiếu hụt nhân lực đăng kiểm.

Bởi vì theo tôi thì xử lý sai phạm trong hoạt động đăng kiểm là hoàn toàn đúng đắn, đúng chủ trương, đúng pháp luật. Tuy nhiên, không phải là một sự cố bất thường, thiên tai, thảm họa mà có sự chủ động của các cơ quan hữu quan”.

Không nên gây khó khăn cho cử tri và người dân trong thực tiễn

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) phát biểu tranh luận: “Bộ trưởng vừa giải trình về việc kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe thì cũng đã tìm thấy được những nguyên nhân trong việc tiêu cực cũng như là những bất cập, vướng mắc trong việc thực thi pháp luật và thực tế thì những quy định hiện nay cũng đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập, tạo ra những khó khăn trong thực tiễn đào tạo lái xe cho các cơ sở đào tạo và học viên.

Đồng thời cũng rất lãng phí về nguồn lực và thời gian của xã hội cũng như sẽ khó để thực hiện chủ trương chuyển đổi số hiện nay.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước). Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước). Ảnh: quochoi.vn.

Đó là quy định về dạy lý thuyết theo kiểu truyền thống, học viên phải tập trung đến lớp, điểm danh; mọi việc dạy học phải diễn ra trên lớp với 8 giờ và kéo dài 21 ngày thì không còn phù hợp với đại đa số người học và đi ngược với yêu cầu thực tiễn, xu hướng cũng như thành quả của cuộc cách mạng khoa học, công nghệ.

Việc đào tạo, sát hạch lái xe, bản chất cũng là một hoạt động nghề nghiệp và theo quy định của Điều 3 Luật Giáo dục nghề nghiệp thì có hình thức đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên. Hiện nay giữa 2 luật này chưa có một sự thống nhất.

Luật Giáo dục nghề nghiệp thì cho đào tạo thường xuyên và Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì lại đào tạo theo hình thức chính quy.

Đây là một bất cập rất lớn và trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 cũng đã trình Quốc hội cho ý kiến Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại Kỳ họp thứ 6, trong đó có nêu về tính khả thi, thuận lợi cho người dân và cải cách hành chính về đào tạo, sát hạch cấp phép lái xe.

Lúc nãy Bộ trưởng nói là rà soát nhưng thực tế là luật sau có hiệu lực thì sẽ thực hiện theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chứ chúng ta không nên gây khó khăn cho cử tri và người dân trong thực tiễn”.

Liên quan đến chất vấn của Đại biểu Điểu Huỳnh Sang về công tác đào tạo, sát hạch lái xe, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết: “Như tôi đã trao đổi, vừa qua khi Bộ triển khai thanh tra về công tác đào tạo, sát hạch lái xe tại Sở Giao thông vận tải của tất cả các tỉnh thì những nội dung này chúng tôi đã nhận diện ra.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trả lời tranh luận của đại biểu. Ảnh: quochoi.vn.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trả lời tranh luận của đại biểu. Ảnh: quochoi.vn.

Chính vì thế, Bộ đang triển khai quyết liệt việc điều chỉnh những vấn đề không phù hợp thông qua thông tư và sắp tới cập nhật, bổ sung vào Luật Đường bộ để chúng ta có cơ chế rõ ràng trong việc quản lý, đào tạo, nâng cao chất lượng và có rất nhiều nội dung trong đào tạo đúng là quá trình chúng tôi đi kiểm tra thấy rằng không phù hợp.

Ví dụ như vấn đề đại biểu nói về câu chuyện cứ bắt phải học trực tiếp, lý thuyết hoàn toàn có thể học trực tuyến, vừa tiết kiệm mà vừa hiệu quả. Tất cả những việc này đã được Bộ Giao thông vận tải ghi nhận và sẽ xử lý rất sớm trong thời gian tới”.

Huệ Phương