Từ thất bại của ĐTVN: Chúng ta đang đối xử bất công với bóng đá nữ

01/12/2012 11:21
Trần Long
(GDVN) - Đừng đổ lỗi cho ai, chính chúng ta tiếp tay để nền bóng đá nam đi xuống vì đã bỏ tiền ra nuôi một đội tuyển thất bại và một giải V-League đầy vết bẩn.
Rất tiếc khi phải nói điều này: Thưa tất cả các cổ động viên đã, đang và sẽ bỏ tiền vé tới xem các trận đấu diễn ra tại V-League cũng như các trận đấu của ĐTQG nam, mọi người đang thực sự phí tiền.
Chúng ta, những người bỏ tiền ra để xem bóng đá, đang làm một công việc hết sức vô nghĩa, đó là bơm tiền cho một nền bóng đá hổ lốn, chuyên nghiệp không ra chuyên nghiệp, cho một Liên đoàn bóng đá sở hữu một giải đấu đang giãy chết, nhưng lại vỗ ngực tự xưng là đang sở hữu giải đấu hấp dẫn nhất Đông Nam Á trên truyền hình. Chúng ta đang bỏ tiền ra nuôi những CLB bóng đá được chuyên nghiệp nửa vời, thậm chí vẫn phải đi cầu cạnh ngân sách nhà nước (hay nói cho đúng là đi xin tiền thuế của chính chúng ta) để tồn tại, nhưng lại trả mức lương tiền tỷ cho những cầu thủ mà giá trị chuyển nhượng còn chưa bằng những cầu thủ của giải hạng 3 Anh.

ĐTVN của năm 2012 không qua nổi vòng bảng AFF Cup 2012 với tư cách là đội đứng đầu khu vực trên BXH FIFA
ĐTVN của năm 2012 không qua nổi vòng bảng AFF Cup 2012 với tư cách là đội đứng đầu khu vực trên BXH FIFA

Vậy thì kết quả nhận được là thế nào? Thất bại kể từ sau năm 2008 đến nay, để lại đó một dấu hỏi về bản sắc bóng đá của đội tuyển. Đội tuyển 2 lần thay tướng sau chức vô địch, và khi trở lại với HLV nội thì lần đầu tiên bị loại từ vòng bảng AFF Cup kể từ năm 2004. Giải V-League giờ vẫn chưa định xong đội nào sẽ tham dự, vì hơn một nửa số đó rơi vào cảnh thiếu tiền và thậm chí bị giải tán. VFF bị chỉ trích thậm tệ vì vụ bùng nhùng liên quan đến bản quyền phát sóng giải đấu, nhưng từ đó tới giờ vẫn không thay đổi gì về cách làm việc.
Không những vậy, hầu như năm nào cũng có chuyện liên quan tới dàn xếp tỷ số hay sai sót trọng tài ở V-League. Cầu thủ chuyên nghiệp đá bẩn ngày càng nhiều, bị đặt dấu hỏi về trách nhiệm với nghĩa vụ quốc gia cũng như cách hành xử trong lẫn ngoài sân bóng. Không trận đấu nào là không có “mùi”, và càng về cuối giải đấu điều đó càng rõ ràng hơn (vì lý do gì thì chúng ta đều hiểu). Thậm chí chức vô địch có lúc được quyết định vì động cơ chính trị - Tôi xin được chỉ thẳng ra ở đây: T&T Hà Nội 2010.
Trong lúc những chuyện như vậy cứ liên tục xảy ra, chúng ta làm gì? Vẫn đến xem, vẫn bỏ tiền mua vé, vẫn quan tâm trên truyền hình, và tất nhiên vẫn lên báo mạng này để xem tin tức về cái đội tuyển lẫn giải V-League ấy.

Chúng ta đang phí tiền cho những màn trình diễn bóng đá mà xem xong chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán. Trong khi đó chuyện gì xảy ra với các đội tuyển nữ Việt Nam? 4 huy chương Vàng SEA Games, 2 chức vô địch Đông Nam Á, 6 lần dự vòng chung kết Giải vô địch châu Á và đoạt hạng 6 châu Á năm 2002. ĐT nữ Việt Nam hiện đứng thứ 31 trên BXH FIFA, tức chỉ kém 1 bậc so với vị trí cao nhất mà họ từng đạt được là hạng 30 vào tháng 12/2008. Chỉ riêng về thành tích, ĐT nữ đã đá đít tất cả những gì đội tuyển Nam làm được, cả trên phương diện khu vực, châu lục lẫn trên BXH FIFA.
Và họ vẫn ra sân thi đấu hàng tuần như bao đồng nghiệp nam khác trong giải VĐQG nữ. Đó là giải đấu mà trung bình lượng khán giả đến sân theo dõi mỗi trận đạt chưa đến 1.000 người, gần như không có tài trợ chính thức mà chỉ dựa vào mấy cái biển quảng cáo, có chưa đến 10 đội thi đấu và thời gian diễn ra chỉ trong hơn 2 tháng. Đó là giải đấu mà trừ khi có scandal (trận Than Khoáng Sản Việt Nam - CLB TP. HCM ngày 19/7/2011) hoặc giải đã định ra đội vô địch, còn lại những gì Bản tin Thể thao của VTV3 đăng tải là cái bảng tỷ số vô hồn. Và hoàn toàn không ai đổ ra đường ăn mừng khi đội tuyển nữ vô địch.

Khi các chị em vô địch, nhân dân có ai đổ ra đường?
Khi các chị em vô địch, nhân dân có ai đổ ra đường?

Các cầu thủ nữ được trả lương trung bình 3 – 4 triệu đồng/tháng (thủ môn Kiều Trinh có mức lương cao nhất với 7 triệu đồng/tháng), trong khi VFF đưa ra quy chế cho V-League 2013 rằng lương cầu thủ chuyên nghiệp tối thiểu là 15 triệu đồng/tháng (còn chưa biết có thực hiện được hay không). Cầu thủ nữ ở SEA Games phải ở trong những nơi nghỉ chẳng khác gì các nhà khách Công Đoàn ở Việt Nam (cắt điện ban ngày từ 9h tới 15h), trong khi đội tuyển U-23 Việt Nam lại đi than phiền vì họ không được ở khách sạn 3 sao. 
Điều cuối cùng cần phải nói ở đây, đó là các tuyển thủ nữ có rất ít cơ hội sau khi giải nghệ. Họ thiếu kỹ năng giao tiếp xã hội để tìm việc, thiếu cả kỹ năng nội trợ của một người phụ nữ bình thường, và tất nhiên nhan sắc là thứ mà thời gian và cái nghiệp bóng đá cuốn đi mất trong họ.

Tất cả những gì họ làm hàng ngày là tập, tập và tập. Đó thực sự mới là cuộc sống của một cầu thủ bóng đá.
Tất cả những gì họ làm hàng ngày là tập, tập và tập. Đó thực sự mới là cuộc sống của một cầu thủ bóng đá.

Các nữ cầu thủ, họ mất nhiều thứ lắm, nhưng cũng là họ mang lại vinh quang cho bóng đá nước nhà (điều này tất nhiên sẽ xuất hiện trong các bản báo cáo thành tích). Nhưng chúng ta đã đối đãi với họ như thế nào?

Xin thẳng thắn nói những lời như sau: Chúng ta đang bỏ tiền để mua sự tức giận và những nỗi nhục – Tức giận vì phải xem một thứ bóng đá tồi tệ, và nỗi nhục đội tuyển nhà đứng đầu khu vực trên BXH FIFA bị loại ngay từ vòng bảng giải vô địch của chính khu vực đó. 
Chính chúng ta là những kẻ đang tiếp tay khiến nền bóng đá nam thối ruỗng, vì tiền mà các CĐV đang bỏ ra chính là để trả lương cho cầu thủ của các CLB chuyên nghiệp “nửa mùa”, trả lương cho ông HLV trưởng ĐTQG, trả lương cho Ban huấn luyện, trả lương cho cả chính ông Nguyễn Trọng Hỷ và VFF, thậm chí là trả lương cho những ông trọng tài mà không ít trong số đó đã bị cảnh sát tóm vì đánh bạc. Và tất cả những gì chúng ta nhận lại là một con số 0 lẫn sự bực mình.

Ai quan tâm với bóng đá nữ? Ai bỏ tiền đến xem các cầu thủ nữ đá bóng? Ai ăn mừng cho họ?
Ai quan tâm với bóng đá nữ? Ai bỏ tiền đến xem các cầu thủ nữ đá bóng? Ai ăn mừng cho họ?

Bằng việc quan tâm tới những gã đàn ông thất bại và bỏ quên những gì các chị em đã và đang làm, có phải chúng ta là một lũ ngu?
Trần Long