Từ phát biểu của ông Nguyễn Trọng Hỷ:

"Nhắm mắt cũng đoán được tân Chủ tịch VFF..."

29/03/2013 08:30
Lan Chi
(GDVN) - Trước khi công bố danh sách lên đến 44 ứng viên, Chủ tịch đương nhiệm Nguyễn Trọng Hỷ cho biết: 'nhắm mắt cũng đoán được ai là tân chủ tịch VFF...'
Hôm qua, tại Hội nghị Ban chấp hành VFF lần thứ 11 - nhiệm kỳ VI, Chủ tịch đương nhiệm Nguyễn Trọng Hỷ đã đọc công khai bản danh sách lên tới 44 ứng viên được các đơn vị trực thuộc đề cử vào BCH VFF khóa VII. Trong đó, có thể kể ra những cái tên đình đám được kỳ vọng sẽ được bầu vào ghế Chủ  tịch như ông Nguyễn Bá Thanh – Trưởng Ban Nội chính Trung ương, ông Lê Khánh Hải – Thứ trưởng bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch, ông Hoàng Anh Xuân - TGĐ Tập đoàn Viettel, ông Lê Quý Phượng – Hiệu trưởng Trường ĐH TDTT Tp Hồ Chí Minh, ông Võ Quốc Thắng, ông Đỗ Quang Hiển, ông Lê Hùng Dũng và ông Phạm Văn Tuấn.

Chức chủ tịch VFF chỉ còn là cuộc đua 'song mã' giữa ông Phạm Văn Tuấn và ông Lê Hùng Dũng.
Chức chủ tịch VFF chỉ còn là cuộc đua 'song mã' giữa ông Phạm Văn Tuấn và ông Lê Hùng Dũng.

Vì nhiều lý do khác nhau mà 6 cái tên đầu tiên đều đã lên tiếng khước từ. Như vậy, không quá khó để nhận ra cuộc đua vào chiếc ghế đầy quyền lực của bóng đá Việt Nam chỉ còn là cuộc đua song mã giữa hai đương kim Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng và Phạm Văn Tuấn.

Như Chủ tịch Hỷ cho biết, có hai tiêu chí thứ nhất để bầu chọn: 1 - Nếu là ‘người Nhà nước’ thì phải là cán bộ cấp cao, có năng lực quản lý, bản lĩnh chính trị và hiểu biết về bóng đá; 2 - Nếu là nhà kinh tế thì phải tạo được nguồn kinh phí và có tâm huyết để cống hiến cho nền bóng đá nước nhà. Xuất thân từ bóng đá và hiện đang giữ chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT nên ông Phạm Văn Tuấn tạm thời chiếm ưu thế nếu xét về tiêu chí thứ nhất. Ngay từ khi ông Tuấn sang VFF làm việc theo dạng ‘biệt phái’ từ Tổng cục thì nhiều người đã nghĩ rằng đây là bước đệm cho việc ông Tuấn sẽ lên thay thế ông Hỷ.

Nhưng, rất rất nhiều người hâm mộ cũng như các đơn vị trực thuộc của VFF đang muốn có một cuộc cách mạng ở bộ máy tổ chức cơ quan quyền lực nền bóng đá vốn đang quá bệ rạc này. Và cứ gì phải là ‘người Nhà nước mới được’? Và nếu xét về tầm ảnh hưởng xã hội cũng như sức nặng trong các quyết định của VFF thì ông Tuấn thua xa ông Lê Hùng Dũng. Chuyện ông Tuấn thất bại trong việc ‘cất nhắc’ ông Hoàng Anh Tuấn vào ghế HLV trưởng ĐTQG hồi cuối năm ngoái là một minh chứng.

Nhưng Phó chủ tịch phụ trách tài chính đang chiếm ưu thế so với người đồng cấp phụ trách chuyên môn.
Nhưng Phó chủ tịch phụ trách tài chính đang chiếm ưu thế so với người đồng cấp phụ trách chuyên môn.

Là một doanh nhân tầm cỡ, năng lực lãnh đạo của ông Dũng thì có lẽ khỏi cần bàn đến, bởi người được mệnh danh là ‘tay hòm chìa khóa’ của VFF này hiện đang là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Eximbank, Chủ tịch HĐQT Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC). Và dù không muốn nói ra nhưng khi nhắc đến ông chủ ngành ngân hàng sinh năm 1954 này thì tất cả phải dùng đến chữ ‘Nể’. Trong thời buổi kinh tế khó khăn, trong khi hàng loạt ông bầu và nhà tài trợ tháo chạy thì một mình ông Dũng là nhà tài trợ chính cho 3 giải đấu cao nhất của Việt Nam (V-League, Hạng nhất và Cúp Quốc gia) với số tiền lên đến cả 50 tỷ. 

Ngoài ra, ông Dũng còn được biết đến là người dám nghĩ, dám làm và cũng rất được lòng cấp dưới cũng như người hâm mộ. Có lẽ chẳng phải ngẫu nhiên mà ngay trước thềm cuộc đua vào chiếc ghế Chủ tịch VFF bắt đầu, ông Dũng bắt tay với bầu Đức để đưa CLB danh tiếng Arsenal sang Việt Nam du đấu làm nức lòng người yêu bóng đá nước nhà. Trước đó, ông Dũng cũng bỏ cả đống tiền để mời những ngôi sao như Fabio Canavaro và Vincent Kompany đến với mảnh đất hình chữ S này. Hơn nữa, việc ông Dũng lên ngồi ghế Chủ tịch VFF khóa VII tới (nếu có thể) còn rất phù hợp với xu hướng xã hội hóa thể thao hiện nay.

Bởi vậy, cuộc đua đến chiếc ghế Chủ tịch VFF nghe có vẻ ‘nóng’ nhưng lại chẳng ‘nóng’ chút nào. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch đương nhiệm Nguyễn Trọng Hỷ lại phát biểu rằng ‘nhắm mắt cũng có thể dự đoán được ai sẽ lên thay tôi’…
Lan Chi