HLV trưởng tuyển Việt Nam giống... osin đi làm bằng xe hơi

01/03/2012 15:47
Thái Hoàng (Thethao24h)
Việc đưa ra mức tiền, và là yếu tố đầu tiên mang lại cảm giác rằng VFF luôn thích dùng biện pháp khích lệ tinh thần bằng tiền, giống như việc luôn treo thưởng khủng trước mỗi lần thi đấu quốc tế, như mức thưởng triệu USD tại SEA Games 26 vừa qua.
Đã từng có trào lưu nhiều phụ nữ Việt Nam chấp nhận để chồng con ở nhà, ra nước ngoài để làm Osin - tức người giúp việc trong gia đình. Nghề này tưởng không thật sự cao sang nhưng lại ra tiền, chắc chắn hơn làm ruộng hoặc làm công nhân ở các khu công nghiệp.


Nghe nói, ở Trung Quốc có dịch vụ Osin cao cấp, lương rất đáng nể, khoảng 4.000NDT/tháng, hơn 10 triệu VNĐ. Không những thế, nhiều người được gia chủ sắm cho xe hơi để đi làm.
HLV trưởng ĐTVN hay Osin đi làm bằng xe hơi. (Ảnh chỉ mang tính minh họa)
HLV trưởng ĐTVN hay Osin đi làm bằng xe hơi. (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Tất nhiên, yêu cầu của Osin hạng này rất cao: phải có bằng… Đại học, nói tiếng Anh lưu loát, biết nấu đồ Tây và biết quản lý chi tiêu gia đình.

Tiền nào của ấy thôi.

Nói chuyện này lại nhớ lời than vãn của một ông thầy nội, từng được đề nghị làm HLV trưởng ĐTVN: “Tôi chẳng dám, thầy nội lên tuyển chỉ làm Osin thôi”.

Ông này, sau giải thích rằng, nhiều HLV nội có đủ khả năng chuyên môn để dẫn dắt đội tuyển nhưng khoản tiền lương chưa bao giờ tương xứng với công sức, áp lực mà họ phải chịu đựng. Nhưng điều ấy không quan trọng bằng việc chưa bao giờ thầy nội có được cơ chế làm việc  và tạo điều kiện như thầy ngoại. Nói một cách chính xác, là thiếu sự tôn trọng (việc không dám phá khung để đưa ra mức lương phù hợp cũng là thiếu tôn trọng).

Bây giờ, sau triều đại Falko Goetz, các HLV nội lên hương, mức lương được chào mời cực kỳ hấp dẫn: 200 triệu/tháng, tương đương một CEO ngân hàng.

Vấn đề là tiền có đảm bảo cho sự tôn trọng?
Bó tay với cái cách VFF chọn người để đặt vào chiếc ghế trống mà HLV Falko Goetz để lại.
Bó tay với cái cách VFF chọn người để đặt vào chiếc ghế trống mà HLV Falko Goetz để lại.

Việc bơm HLV nội còn thoáng tới mức cho phép làm kiêm nhiệm. Cũng chính những con người muốn “tạo điều kiện cho HLV nội” bây giờ lại từng có một quyết định khá lạ với ông Calisto: không cho kiêm nhiệm làm HLV trưởng ĐTVN và HLV trưởng HN T&T. Việc này khởi đầu cho sự thất vọng và dẫn đến kết cục là đúng một năm trước, ngày 1/3/2011, ông Calisto đâm đơn từ chức. Trong khá nhiều lý do, ông Calisto nhấn mạnh về việc mình không cảm thấy hạnh phúc ở đây và cũng không nhận được sự tôn trọng của VFF.

Sự tôn trọng, một lần nữa, Falko Goetz cảm nhận được khi nhận được tin mình bị sa thải thông qua… báo Việt Nam.

Bây giờ là mức lương 200 triệu/ tháng. Khoan nói đến một bộ phận dư luận kịp lên tiếng, phàn nàn rằng: “Mức lương ấy quá chênh lệch với người lao động nói chung” hay “Không đáng phải đầu tư nhiều tiền như vậy”.

Nhưng, việc đưa ra mức tiền, và là yếu tố đầu tiên mang lại cảm giác rằng VFF luôn thích dùng biện pháp khích lệ tinh thần bằng tiền, giống như việc luôn treo thưởng khủng trước mỗi lần thi đấu quốc tế, như mức thưởng triệu USD tại SEA Games 26 vừa qua.

Với các HLV, tiền quan trọng, tất nhiên nhưng cơ chế làm việc và sự tôn trọng, độc lập trong việc ra những quyết định liên quan đến đội tuyển còn nhiều hơn.

Nếu không có điều ấy, HLV trưởng đội tuyển cũng vẫn là Osin, cho dù là Osin đi làm bằng ô tô.
Thái Hoàng (Thethao24h)