Hiến kế cho tuyển Việt Nam: Cho đội nghiệp dư đi đá quốc tế

03/12/2012 12:09
Thanh Tùng
(GDVN) - Theo đúng nghĩa của cái từ “nghiệp dư”, đó là những cầu thủ không (chưa) được trả lương để đá bóng, chưa phải những cầu thủ chuyên nghiệp.
Thất bại thì cũng đã thất bại, về nước thì ĐTVN đã về nước, trách móc nhau nhiều e cũng chẳng giải quyết được gì. Vấn đề bây giờ là chúng ta nên nhìn xem ĐTVN đã sai lầm ở chỗ nào để đến nỗi bị loại khỏi vòng bảng giải vô địch Đông Nam Á lần đầu tiên kể từ năm 2004. Nhưng lý do thì vô số: Sai lầm chiến thuật, phong độ cầu thủ, thậm chí cái xà ngang cũng có thể góp mặt trong danh sách những lý do để giải thích cho thất bại.
Do vậy, tôi xin được mạn phép bàn về một nguyên nhân của thất bại: Tiền. Trong cái năm 2012 này, bóng đá Việt Nam đi xuống một cách thảm hại khi V-League giờ đã trở thành một dấu hỏi, nhiều CLB bị giải tán hoặc đang trong tình trạng ăn đong từng ngày. Điều đó khiến tương lai của các cầu thủ chuyên nghiệp trở nên bất định, ai ai cũng phải lo miếng cơm manh áo trước, trong đó có tất cả các tuyển thủ quốc gia. Lê Công Vinh còn đang tính rằng sau AFF Cup sẽ giải nghệ để đi học đại học, với tư tưởng như vậy thì đá bóng làm sao được, thua là phải. Đó là sai lầm mà VFF đã không nhìn thấy.

Lê Công Vinh mờ mịt ở AFF Cup 2012, và trong đầu vẫn còn đang lo lắng mình sẽ đi đâu khi về nước
Lê Công Vinh mờ mịt ở AFF Cup 2012, và trong đầu vẫn còn đang lo lắng mình sẽ đi đâu khi về nước

Nếu những tuyển thủ mang một cục lo lắng về chuyện tiền nong trong đầu khi đi thi đấu cho ĐTQG, hà cớ gì lại dùng họ? Sao không dùng các cầu thủ nghiệp dư?
Có thể một vài người sẽ nói đây là một ý tưởng điên rồ của tôi, rằng các cầu thủ nghiệp dư không đủ trình độ để đá bóng với chuyên nghiệp. Xin thưa: Tất cả các VĐV Việt Nam đi dự Olympic hay SEA Games đều là “nghiệp dư” theo đúng nghĩa đen của từ đó, tức không được trả lương bởi các đơn vị tư nhân để thi đấu. Và khi nói từ “nghiệp dư”, ý của tôi là ĐTVN nên là một tập hợp của những cầu thủ chưa được hoặc chưa đủ điều kiện để ký hợp đồng chuyên nghiệp. Các cầu thủ trẻ trong độ tuổi Olympic cũng nằm trong số này.
Và sau đây là những lý do:
1) Động lực thi đấu: Những cầu thủ nghiệp dư có một lợi thế lớn mang lại cho đội tuyển, đó là họ không bị ảnh hưởng bởi chuyện tương lai chuyên nghiệp của mình. Họ sẽ chỉ có tập luyện và thi đấu để đạt thành tích, chứ không phải như Lê Công Vinh ở Thái Lan vẫn gọi điện về Việt Nam để nghe ngóng tình hình về cái hợp đồng tiền tỷ không giải phóng được của mình. Thậm chí, việc thi đấu và có thành tích tốt có thể sẽ giúp các tuyển thủ nghiệp dư nhận được sự chú ý của các CLB chuyên nghiệp, tức đội tuyển là bệ phóng để họ được đá chuyên nghiệp.
2) Dễ bảo: Nói không đâu xa khi gần đây rộ tin đồn rằng các tuyển thủ đã có phản ứng tiêu cực với Ban huấn luyện đội tuyển trong trận thua Thái Lan 1-3. Những tuyển thủ chuyên nghiệp đã trưởng thành - đặc biệt là những người có cái tôi cá nhân và có tư tưởng ngôi sao - dễ có xu hướng phản đối lại quyết định của Huấn luyện viên nếu họ nghĩ nó không hợp lý hoặc khiến họ không được thể hiện bản thân. Tốt nhất là tống khứ những kẻ như thế này đi! Những cầu thủ nghiệp dư, đặc biệt là cầu thủ trẻ sẽ dễ dạy hơn, sẽ tuân theo đúng chỉ thị của huấn luyện viên hơn. Cũng như việc dạy học sinh mà thôi, càng nhỏ tuổi càng dễ bảo.

U22 Việt Nam vô địch Merdaka Cup 2008
U22 Việt Nam vô địch Merdaka Cup 2008

3) Sức trẻ: Các cầu thủ độ tuổi Olympic vẫn đang trong giai đoạn sung sức và họ có đủ khả năng để thi đấu với cường độ cao khi được yêu cầu, do đó chúng ta sẽ không phải lo lắng về họ. Triệu tập một tuyển thủ ngoài 30 và thường xuyên gặp chấn thương để rồi anh ta nghỉ hết giải, liệu đó có phải là một quyết định thông minh? Nhìn Minh Đức bị chảy máu vì va chạm với tiền đạo cao to của Philippines mà tội.
Còn về kinh nghiệm? Cái lý do nghe muôn thưở này rất dễ giải quyết: Hãy để cho các cầu thủ nghiệp dư thi đấu thật nhiều, càng nhiều càng tốt, thua cũng là có sự tích lũy kinh nghiệm. Mà tại sao lại không làm như Singapore, dồn các tuyển thủ U-23 vào đội Young Lions rồi cho đá ở giải VĐQG S-League? Hiện tại chúng ta đang có lứa học viên của Học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal, một sản phẩm của ông Đoàn Nguyên Đức cũng như lò Sông Lam Nghệ An nữa. Vấn đề chỉ là liệu chúng ta có tạo điều kiện để giúp lớp trẻ đó thành công sớm hay không thôi.

Thẳng thắn mà nói, chúng ta đã mệt mỏi với những tuyển thủ “chuyên nghiệp”. Họ dường như thi đấu mà không có chút động lực cống hiến cho quốc gia, chỉ chăm chăm lo cho lợi ích cá nhân và thậm chí “bật” lại Ban huấn luyện. Nhất là trong năm 2012 này, khi mà bóng đá Việt Nam đi xuống và cái mác “chuyên nghiệp” của cả nền bóng đá đang bị bóc ra, những “cầu thủ chuyên nghiệp” mà chúng ta kỳ vọng sẽ mang danh hiệu về nước đã thể hiện rõ là họ không đá bóng nổi chỉ vì cái đầu còn đang lo cho bản thân.

ĐTVN chơi thiếu lửa tại AFF Cup 2012, mà chuyện lợi ích cá nhân là một trong những nguyên nhân chính
ĐTVN chơi thiếu lửa tại AFF Cup 2012, mà chuyện lợi ích cá nhân là một trong những nguyên nhân chính

Vậy thì thưa Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, liệu các vị có thể triệu tập cầu thủ nghiệp dư vào đội tuyển quốc gia?

Hỏi làm gì phí công, VFF có bao giờ thực sự lắng nghe đến báo chí? Họ chỉ quan tâm tới báo chí nếu có nói động điều gì không hay về họ.
Thanh Tùng