Cổ động viên Việt Nam chỉ giỏi 'ném đá', 'thọc gậy bánh xe' (Bài 2)

15/11/2012 07:35
Đinh Hà
(GDVN) - Trọng tài mắc lỗi, chửi! Cầu thủ đội bạn chơi xấu, chửi! Đội nhà chơi không đúng phong độ, cũng chửi… Đó là phản ứng chung của phần lớn CĐV Việt Nam hiện nay.
> Xem bài 1: Cổ động viên Việt Nam ích kỷ nhất thế giới?

Đến sân, văng ra những lời lẽ thô tục nhất có thể hướng về phía cầu thủ, trọng tài, HLV... nhưng đó có phải là cách thể hiện tình yêu với đội bóng?

Trong bài nghiên cứu "Đặc trưng ngôn ngữ - văn hóa trong các lối chửi của người Việt" (Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, 1993) của Nguyễn Thị Tuyết Ngân định nghĩa: "Chửi là một hiện tượng văn hóa ngôn từ phản chuẩn, bày tỏ một cách chủ động phản ứng bất bình nhằm làm giảm căng thẳng tinh thần của người chửi và hạ uy tín người bị chửi".

Chỉ một câ u chửi bâng quơ cũng có thể dẫn đến xô xát trên khán đài...
Chỉ một câ u chửi bâng quơ cũng có thể dẫn đến xô xát trên khán đài...

Như vậy, chửi là một nhu cầu giải tỏa tâm lý bằng việc dùng các lời lẽ miệt thị cay độc nhằm hạ nhục một đối tượng bị coi là đã có hành vi không hay với người chửi (chửi cho hả giận, chửi cho bõ tức...). Dù bị coi là lệch chuẩn, nhưng ta phải thừa nhận một điều, chửi gần như là một sản phẩm tất yếu của ngôn ngữ xã hội. Thời nào cũng có. Dù văn bản ít ghi lại song nó vẫn được lưu truyền từ đời này sang đời khác qua con đường dân gian truyền khẩu.
Chẳng có ai trên đời này lại không một lần thốt ra tiếng chửi hay bị người khác chửi mắng. Đây là một cách ứng xử mang tính tâm lý bộc phát. Vấn đề là, sự tình diễn ra có đáng chửi hay không và chửi sao cho phải. Không quá khó để nghe được những câu chửi rủa thô tục nhất ngay trên những sân cỏ Việt Nam từ cấp câu lạc bộ cho đến cả khi đội tuyển quốc gia thi đấu. Ngay cả những ông Tây mới sang thi đấu ở các câu lạc bộ của Việt Nam được vài hôm cũng học ngay được câu cửa miệng 'Đ******' được thốt lên inh ỏi từ phía các khán đài. 

Bóng đá Việt Nam vẫn đang chập chững bước đi chuyên nghiệp đầu tiên, đến những nền bóng đá chuyên nghiệp bậc nhất thế giới còn tồn tại những chuyện cầu thủ chơi xấu, bán độ, trọng tài thiên vị… Nhưng cổ động viên của họ phản ứng một cách rất có văn hóa như việc thu thập bằng chứng và gửi đơn kiện lên các cơ quan chức năng giải quyết. Nói không quá, như chuyện mới đây nhất, khi Chelsea bị trọng tài Mark Clattenburg xử ép và có lời lẽ phân biệt chủng tộc trong trận thua kình địch M.U trên sân nhà, nếu sự việc xảy ra trên lãnh thổ hình chữ S thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra khi trận đấu kết thúc.

Trọng tài mắc lỗi, chửi! Cầu thủ đội bạn chơi xấu, chửi! Đội nhà chơi không đúng phong độ, cũng chửi… Sân bóng là nơi thể hiện tình yêu bóng đá của mỗi người, là nơi thể hiện tính cách, sự nhiệt tình nóng bỏng. Bóng đá là một môn thể thao, tất nhiên phải có những cảm xúc yêu, ghét, hạnh phúc, tức giận… Nhưng đã là một môn thể thao thì cần lắm tinh thần thượng võ ‘Fair Play’, chứ hành vi chửi bới trọng tài, huấn luyện viên, cầu thủ, cổ động viên đội bạn…là hành vi không những không nên mà nó còn làm xấu đi hình ảnh của chính những người chửi ấy. Và trong số những cổ động viên ‘to mồm’ ấy, ai dám đứng lên vỗ ngực rằng mình hiểu hết về lịch sử và truyền thống của đội bóng được cho là đang hết mình cổ vũ?! 

* Nếu bạn là một CĐV bóng đá Việt Nam và có ý kiến bình luận/phản biện... bài viết này, hãy gửi cho Báo Giáo dục Việt Nam qua hộp thảo luận cuối bài (Gõ tiếng Việt có dấu)! Mọi ý kiến đóng góp trên tinh thần xây dựng sẽ được báo đăng tải đầy đủ! Trân trọng cảm ơn!
Đinh Hà