Ronaldo, Messi, Van Persie... là những kẻ đáng ghét nhất thế giới?

16/01/2013 13:54
Nguyễn Đỉnh
(GDVN) - Lẽ thường tình, những người giàu hay bị ghét, và sẽ càng đáng ghét hơn theo lối suy nghĩ: “Nó giàu hơn dù chẳng giỏi hơn mình”.
Lionel Messi, David Beckham, Cristiano Ronaldo, Zlatan Ibrahimovic, Robin van Persie… là những cầu thủ được hâm mộ nhất thế giới bóng đá nhưng đồng thời cũng là những kẻ bị ghét nhất. Lý lẽ thì rất đơn giản: họ giàu, họ kiếm tiền và tiêu tiền quá dễ dàng. Trong số những người “ghét” có cả Judd Trump, VĐV billard - snooker nổi tiếng người Anh. Tay cơ 23 tuổi hiện đứng thứ hai thế giới, chỉ xếp sau đồng hương Mark Selby và từng leo lên vị trí số 1 thế giới. Judd Trump vừa lên tiếng phàn nàn về thu nhập của các siêu sao bóng đá: “Bạn thấy đấy, David Beckham và Cristiano Ronaldo đều hưởng 200.000 bảng mỗi tuần. Rory McIlroy (tay golf người Bắc Ireland - ) vừa ký với Nike hợp đồng tài trợ 250 triệu bảng trong 10 năm. Vậy mà người ta lại muốn trả 10.000 bảng một năm cho một VĐV snooker?”
Messi nhận lương 13 triệu euro/năm.
Messi nhận lương 13 triệu euro/năm.
Thống kê cho thấy tổng tiền thưởng mà Judd Trump giành được trong sự nghiệp của mình là 771.372 bảng. Và với ngôi á quân giải Shanghai Masters 2012 anh kiếm được 30.000 bảng. Rõ ràng là kém xa so với Messi, Ronaldo… hay thậm chí là những cầu thủ chưa thành sao như Tom Cleverley hay Victor Moses…
>>> Xem thêm các bài bình luận bóng đá khác <<<
Tiêu đề bài phỏng vấn của VĐV snooker người Anh là: “Hãy trả tiền xứng đáng với giá trị của chúng tôi”. Lập luận của Judd Trump là anh nằm trong số những VĐV xuất sắc nhất ở môn thể thao của mình, giống như Ronaldo, Messi… là những cầu thủ hàng đầu thế giới. Nhưng Judd Trump không hiểu rằng anh đang được trả đúng với giá trị của mình, và Ronaldo, Messi, Beckham… được trả đúng với giá trị của họ. Nên nhớ rằng với mỗi trận đấu, M.U được hưởng hàng triệu bảng tiền bản quyền truyền hình. Vé vào sân mang lại nguồn thu cực khủng khác, mỗi chiếc vé vào sân Old Trafford có giá trung bình trên 50 bảng, với sức chứa 7 vạn chỗ, “Quỷ đỏ” có thể thu về 3,5 triệu bảng/trận. Ngoài ra còn có nhiều khoản thu khủng khiếp khác từ các hợp đồng tài trợ và quảng cáo…
VĐV snooker Judd Trump chỉ nhận lương rất thấp so với các ngôi sao bóng đá dù anh là tay cơ hàng đầu thế giới.
VĐV snooker Judd Trump chỉ nhận lương rất thấp so với các ngôi sao bóng đá dù anh là tay cơ hàng đầu thế giới.
Ngược lại, có bao nhiêu khán giả vào sân xem một cuộc so tài ở môn sillard - snooker? Các đài truyền hình có dám chi đậm mua bản quyền truyền hình các giải đấu khi lượng người xem rất nhỏ bé? Các nhãn hàng có muốn ký kết hợp đồng quảng cáo với Judd Trump và các đồng nghiệp khi họ chẳng mấy khi xuất hiện trên báo và truyền hình?... Trên thực tế, chỉ có một số lượng rất nhỏ các môn thể thao thu hút được người xem và mang lại lợi nhuận lớn, bóng đá là một trong số đó. Nhưng ngay ở môn bóng đá cũng có những người nghèo, ví dụ đơn giản là bóng đá nữ. Tại giải vô địch bóng đá nữ Anh (Women’s Super League) chỉ có 17 nữ cầu thủ nhận lương trên 16.000 bảng/năm. Năm 2009 họ yêu cầu nâng mức thu nhập lên 18.000 bảng mỗi năm nhưng bị từ chối.
Thu nhập một năm của các cầu thủ nữ Anh chỉ tương đương những gì các nam đồng nghiệp kiếm được trong một ngày.
Thu nhập một năm của các cầu thủ nữ Anh chỉ tương đương những gì các nam đồng nghiệp kiếm được trong một ngày.
16.000 bảng mà các nữ cầu thủ kiếm được trong một năm thậm chí chỉ bằng một nửa những gì các nam đồng nghiệp Van Persie, Yaya Toure, Aguero… nhận được trong một ngày. Bất công, nhưng vẫn phải chấp nhận bởi chẳng có ai muốn xem các trận đấu bóng đá nữ. Giải Women’s Super League có 8 CLB tham dự nhưng chỉ có 3 đội thường xuyên có trên… 500 khán giả vào sân xem. Và trận đấu giữ kỷ lục khán giả là trận Arsenal - Chelsea, với… 5000 người dự khán. Giá vé cao nhất là 8 bảng. LĐBĐ Anh vẫn phải bơm tiền để hỗ trợ các CLB trả lương cho các nữ cầu thủ. Nhưng bóng đá không phải là từ thiện. Thể thao luôn hướng đến sự công bằng nhưng không phải cào bằng. Messi, Ronaldo, Van Persie… được trả lương cao bởi họ là những “con gà đẻ trứng vàng”. Cả thế giới có thể ghét họ nhưng không thể không trả tiền để được xem họ thi đấu. Đó là quy luật không thể khác được, cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Nguyễn Đỉnh