Chung kết Champions League: Bóng đá trở về nhà

23/05/2013 22:43
Nguyễn Đỉnh (Khám phá)
The Sun, một trong những tờ báo có lượng phát hành lớn nhất nước Anh mô tả trận chung kết Cúp châu Âu giữa hai đội bóng Đức tại Wembley giống như "cuộc xâm lăng của những người anh em Anglo-Saxon”.
Khi Dortmund và Bayern Munich đánh bại hai gã khổng lồ TBN để tiến vào trận chung kết Champions League ở Wembley, tờ báo Đức Sueddeutsche Zeitung đã giật dòng tít lớn: "Bóng đá trở về nhà”.

Hàng vạn người Đức sẽ di chuyển tới Wembley, mái nhà của bóng đá Anh vào thứ Bảy này để thưởng lãm trận chung kết nội bộ của Bundesliga. Đó là một trận đấu đặc biệt: trở về quê hương bóng đá để chơi một trận bóng đá đỉnh cao.

Bóng đá du nhập vào Đức vào cuối thế kỷ 19. Những năm 1890, Karl Planck, một giáo viên dạy thể dục và giáo dục công dân đã nổi giận khi thấy người Đức chơi một thứ thể thao mà ông gọi là “thứ bệnh dịch từ nước Anh”. Đó là môn thể thao mà người chơi dùng chân đá một quả bóng đầy nhàm chán mà Karl Planck mô tả trong sổ tay của mình như là một thứ “ngu xuẩn, xấu xí và trụy lạc”. Ông muốn thanh niên Đức tập thể dục nhiều hơn để có sức khỏe phục vụ quân đội, thay vì chơi môn bóng nhảm nhí của người Anh.

Chung kết Champions League 2013 là ngày bóng đá trở về nhà.
Chung kết Champions League 2013 là ngày bóng đá trở về nhà.

Hơn một thế kỷ sau, hàng vạn người Đức lại kéo đến Wembley để xem một trận đấu đỉnh cao của môn thể thao từng bị xem là trò nhảm nhí. Planck đã thất bại trong nỗ lực cản trở truyền bá bóng đá vào Đức. Và bóng đá đã trở thành môn thể thao vua với hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Ở thế kỷ 19, đã có rất nhiều môn thể thao từ nước Anh được nhập khẩu vào Đức như tennis, cricket (riêng thủ đô Berlin năm 1914 đã có đến 14 đội cricket). Bóng đá cũng nằm trong số ấy, người Đức chơi bóng theo cảm hứng từ cái cách người Anh chơi. Những đội bóng đá đầu tiên của Đức cũng được đặt tên có từ “Britannia” để ghi nhớ nước Anh là quê hương của bóng đá, chẳng hạn như đội Britannia Berlin.

Nhưng những cái tên Anh ấy đã bị phản đối bởi những người theo chủ nghĩa dân tộc và dần dà được Đức hóa. Chẳng hạn hoàng đế Đức ủng hộ đổi tên đội Britannia Berlin thành Germania Berlin. Từ “Borussia” trong cái tên Borussia Dortmund thực ra là tên Latin của “Prussia”, hay tiếng Việt là “Phổ” - một lãnh thổ lấy Berlin là kinh đô và trong suốt nhiều thế kỷ đã ảnh có hưởng lớn tới lịch sử nước Đức.

Trong thời gian Đại chiến thế giới I tạm ngưng, người Đức thường đồn đại những câu chuyện cảm động về việc binh lính Đức chơi bóng trên những mảnh đất lạnh giá không có người sinh sống ở mặt trận phía Tây trong dịp Giáng sinh.

Sau Đại chiến thế giới II, những trận đấu bóng đá quốc tế giữa Anh và Đức bắt đầu được tổ chức. Đỉnh điểm là chiến thắng 4-2 của đội tuyển Anh trước Tây Đức trong trận chung kết World Cup 1966 ở Wembley với một bàn thắng tranh cãi của Geoff Hurst. Vị trọng tài biên Tofik Bakhramov đã công nhận bàn thắng cho đội chủ nhà dù không ai biết bóng đã đi qua vạch vôi hay chưa. Người Đức càng có cớ để hậm hực bởi ông Bakhramov là một người Liên Xô. Bất chấp chi tiết ấy, người Anh vẫn cho rằng chiến thắng của mình là đỉnh cao của bóng đá thế giới.

Nhưng chỉ 6 năm sau, người Đức đã trả cả vốn lẫn lãi tại EURO 1972, cũng diễn ra tại Wembley. Đội tuyển Anh bị xem là không có tiến triển gì so với World Cup 1966 đã thua cay đắng trước tuyển Đức của Helmut Schoen, được đánh giá là quá nổi trội về kỹ thuật chơi bóng.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và thủ tướng Anh David Cameron cùng nhau xem trận đấu chung kết Champions League 2012 giữa Bayern và Chelsea.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và thủ tướng Anh David Cameron cùng nhau xem trận đấu chung kết Champions League 2012 giữa Bayern và Chelsea.

Với thành công vang dội tại Cúp châu Âu mùa này, bóng đá Đức hiện tại được xem là đã vượt lên trên tầm bóng đá Anh cả về các yếu tố kỹ thuật lẫn khả năng làm kinh tế. Cầu thủ Đức luôn chơi bóng rất kỷ luật và có tổ chức. Bóng đá Đức được xem như hình mẫu lý tưởng để người Anh thèm muốn và học hỏi. Cổ động viên giữ ảnh hưởng quan trọng với đội bóng, lượng khán giả vào sân luôn thuộc hàng cao nhất châu Âu, nói không với những ông chủ ngoại và giá vé luôn được khống chế ở mức những người trung lưu cũng mua được. Người Anh đang muốn đi theo cách làm bóng đá ấy, cũng giống như những chính trị gia Anh ngưỡng mộ cách nước Đức kích thích phát triển công nghiệp với quyền sở hữu dài lâu và để công nhân giữ ghế trong ban lãnh đạo.

Mặc dù vậy, người Đức vẫn giữ được sự khiêm tốn và cái nhìn trân trọng khi nói về quê hương của bóng đá. Nhà báo Uli Hesse, tác giả cuốn sách “Câu chuyện bóng đá Đức” cho rằng Đức vẫn phải ngưỡng mộ những gì mà các CLB Anh đã làm được trong thời đỉnh cao ở thập niên 1970, 1980, cho tới khi thảm họa Heysel nổ ra và ngăn chặn đà phát triển của bóng đá xứ sương mù.

The Sun, một trong những tờ báo có lượng phát hành lớn nhất nước Anh mô tả trận chung kết Cúp châu Âu giữa hai đội bóng Đức tại Wembley giống như "cuộc xâm lăng của những người anh em Anglo-Saxon” (một lối chơi chữ không mang hàm ý tiêu cực), như “bóng đá trở về với đất mẹ”. 2013 là năm mà bóng đá Anh long trọng kỷ niệm 150 năm ngày ra đời liên đoàn bóng đá đầu tiên trên thế giới (vì vậy mà UEFA đã trao cho Wembley, mái nhà của bóng đá Anh quyền đăng cai trận chung kết này như một món quà).

Hẳn tất cả còn nhớ hai vị nguyên thủ quốc gia Angela Merkel và David Cameron đã cùng nhau xem trận đấu chung kết Champions League 2012 bên lề hội nghị thượng đỉnh G8. Ông Cameron đã ăn mừng chiến thắng của Chelsea trên chấm phạt đền giống như một người Anh bình thường, trong khi bà Merkel, một fan bóng đá thứ thiệt từ thời World Cup 2006 buồn bã khi Bayern thất bại. Đó được là một trận đấu bóng đá ngoại giao.

Lewis Holtby là đứa con chung của bóng đá Anh và Đức.
Lewis Holtby là đứa con chung của bóng đá Anh và Đức.

Lịch sử đã ghi nhận sự giao thoa giữa hai nền bóng đá Anh - Đức. Bert Trautmann, một phi công Đức Quốc Xã bị quân Đồng Minh bắt giữ đã trở thành thủ môn nổi tiếng trên đất Anh. Trận đấu đáng nhớ nhất của ông là chung kết FA Cup 1956, Trautmann đã gãy cổ khi nỗ lực cứu thua cho Man City và bị tiền đạo Peter Murphy của Birmingham đá trúng. Bất chấp đau đớn, Trautmann vẫn tiếp tục thi đấu bởi đã hết quyền thay người và được 100.000 khán giả ở Wembley reo hò vì tinh thần chiến đấu ngoan cường.

Một người Đức khác chơi bóng ở Anh là Lewis Holtby, hiện đang khoác áo Tottenham và là thành viên đội tuyển Đức. Holtby có cha là người Anh và mẹ là người Đức. Giống như người cha của mình, tiền vệ 22 tuổi là fan của Everton và thề không bao giờ chơi cho Liverpool.

Với những mối duyên lịch sử ấy, sẽ có hàng triệu người Anh chào đón Dortmund và Bayern tới London. Họ có thể tự an ủi rằng người Đức đến Wembley để chơi môn thể thao do đất nước mình sáng tạo ra. Ngược lại, người Đức hiểu rằng họ được trở về với mái nhà của bóng đá.
Nguyễn Đỉnh (Khám phá)