Bình luận: Uzbekistan sắp dự World Cup, bóng đá Việt vẫn lao đao

29/03/2013 10:40
Hoàng Quân
(GDVN) - Bóng đá Uzbekistan đã thầm lặng tiến những bước chậm rãi nhưng chắc tới thành công, và ĐTQG nước này chỉ thắng 1 trận nữa là sẽ dự World Cup.
So sánh bóng đá Uzbekistan với bóng đá Việt Nam chắc chắn là khập khiễng, vì mỗi nền bóng đá và bản thân mỗi quốc gia đều có hoàn cảnh khác nhau. Nhưng tại sao một đất nước mà nếu muốn ra biển phải vượt tới 2 đường biên giới của 2 quốc gia khác, tự co mình lại trước những lời kêu gọi mở cửa từ bên ngoài lại đang xây dựng được nền bóng đá rất thành công, và ĐTQG của họ chỉ thắng thêm 1 trận nữa là sẽ lọt vào vòng chung kết World Cup?
Tuổi đời của nền bóng đá có tổ chức của Uzbekistan rất trẻ, bóng đá xuất hiện ở nước này từ thập niên 1920 nhưng phải tới cuối thập niên 1980 mới bắt đầu có các hoạt động bóng đá có tổ chức ở trong nước mà không phụ thuộc vào Liên bang Xô Viết. LĐBĐ Uzbekistan trở thành thành viên của FIFA lẫn AFC từ năm 1994, nhưng cũng phải 7 năm sau họ mới nhận được những dự án phát triển đầu tiên từ cả hai liên đoàn này, cũng giống như các chương trình phát triển mà FIFA cung cấp cho Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) sớm nhất từ năm 1999.
Mặc dù Uzbekistan cứ 4 năm lại đến Olympic với tham vọng đoạt huy chương ở các bộ môn vật (judo, vật Hy-La...) và thể dục dụng cụ, nhưng sự đầu tư của chính phủ Uzbekistan cho bóng đá là rất lớn, thậm chí vượt xa các môn thể thao khác. Họ không chỉ đầu tư tiền vào bóng đá, LĐBĐ nước này còn dùng khả năng ngoại giao để đạt được những thỏa thuận giúp đỡ từ FIFA và AFC. Trước năm 2003, chính phủ Uzbekistan không có tiền để xây sân cỏ nhân tạo gần sân vận động quốc gia ở Tashkent, nhưng họ đã thuyết phục được FIFA đầu tư gần 400.000 USD để xây dựng sân tập. Sân tập này trở thành nơi tập luyện thường xuyên của ĐTQG, và vị trí của nó rất thuận lợi khi giúp đội chỉ mất chưa đến 30 phút để tới được SVĐ quốc gia.

Uzbekistan đánh bại Nhật Bản tại vòng loại World Cup 2012, 29/2/2012 tại SVĐ Toyota, Tokyo
Uzbekistan đánh bại Nhật Bản tại vòng loại World Cup 2012, 29/2/2012 tại SVĐ Toyota, Tokyo

Không lâu sau đó, dự án GOAL của FIFA tiếp tục cấp thêm 400.000 USD nữa để LĐBĐ Uzbekistan mua trang thiết bị tập luyện cho đội tuyển và xây dựng học viện bóng đá. Nhưng khi số tiền đó không đủ để hoàn thành dự án, Chính phủ Uzbekistan đã mạnh tay chi thẳng 800.000 USD bổ sung để dự án được hoàn tất đúng hẹn, và kết quả là họ đang có một học viện bóng đá tại ngoại ô thành phố Tashkent.
Uzbekistan vì thế là một trường hợp hiếm hoi mà chính phủ trực tiếp bơm thêm tiền vào cho LĐBĐ trong quá trình tham gia dự án GOAL của FIFA. Họ thậm chí còn không có tên trong danh sách hỗ trợ của FIFA cho dự án trong giai đoạn 2, vì những điều kiện cần thiết của giai đoạn 1 đã hoàn thành xong. Trong khi đó, VFF dành ra 375.000 USD của giai đoạn 1 chỉ để xây tòa nhà trụ sở ở số 18 Lý Văn Phức, tòa nhà mà bây giờ đã được sử dụng vào mục đích khác như là sàn nhảy, và lại đi xin tiền của Bộ Tài chính (ước tính vào khoảng hơn 3,5 tỷ USD) để xây Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ ở Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình cách đây 8 năm nhưng vào năm 2008 rốt cuộc phải chuyển sang phương án đấu thầu.
Mới chỉ cách đây 4 tháng, LĐBĐ Uzbekistan còn được AFC chấp nhận tổ chức miễn phí một khóa học lấy chứng chỉ B cho 21 huấn luyện viên người Uzbekistan. Các HLV này được tham gia khóa học trong 20 ngày với sự giúp đỡ của những chuyên gia hàng đầu. Họ được đào tạo cực kỳ kỹ lưỡng về cách sử dụng các thiết bị công nghệ phục vụ cho công tác huấn luyện. Cái đáng nói không phải là việc những HLV này đã được học lấy bằng, mà là khóa học đã được tổ chức mà LĐBĐ Uzbekistan không phải trả một xu. Lý do là bởi họ có thành viên trong hội đồng của AFC, ông Usmon Toshev.

Một góc của sân cỏ nhân tạo tại trung tâm huấn luyện ở ngoại ô thành phố Tashkent
Một góc của sân cỏ nhân tạo tại trung tâm huấn luyện ở ngoại ô thành phố Tashkent

Sự thành công về mặt quản lý của LĐBĐ dẫn tới sự tiến bộ vượt bậc của ĐTQG. Năm 1996, họ còn đứng 119 trên BXH FIFA, nhưng nay đang đứng thứ 59 trên thế giới và đứng thứ 5 ở châu Á. Họ suýt dự vòng chung kết World Cup 2006 nhưng bị Bahrain vượt qua bằng loạt bàn thắng sân khách trong một loạt trận đầy tranh cãi do sai sót của trọng tài. Năm 2007, Uzbekistan lọt vào tứ kết Asian Cup, giải đấu mà vào năm 2011 họ đã về đích ở vị trí thứ 4, thành tích tốt nhất trong lịch sử đội tuyển. Ở mặt trận Á vận hội, họ vô địch năm 1994 với nhiều cầu thủ sót lại từ Liên Xô cũ, nhưng trải qua một thời gian dài không có thành tích gì nổi bật cho tới khi lọt vào tứ kết năm 2006.
Thành tích ở các giải trẻ cũng rất đáng chú ý. Đội U-17 Uzbekistan vô địch giải U-16 châu Á năm 2012 vừa qua sau khi đoạt ngôi Á quân 4 năm trước (2008), và họ lọt tới tứ kết U-17 World Cup năm 2011. Đội tuyển U-20 đánh dấu sự trở lại của bóng đá Uzbekistan ở cấp độ quốc tế khi lọt vào vòng chung kết giải Vô địch trẻ Thế giới năm 2003, chỉ 1 năm sau khi đứng thứ 4 ở vòng chung kết Vô địch trẻ châu Á 2002. Năm 2008 đội U-20 suýt vô địch giải Vô địch trẻ châu Á khi thua UAE 1-2 ở trận chung kết.
Ở cấp độ CLB, FC Bunyodkor đánh dấu lần đầu tiên dự AFC Champions League và đã lập tức lọt tới bán kết trước khi thua Adelaide United của Australia, thành tích này khiến trung phong Server Djeparov được trao giải thưởng Cầu thủ châu Á của năm 2008 do AFC trao tặng và được Chelsea (đúng, Chelsea của Premier League) mời thử việc (nhưng anh đã không thể có mặt do lịch thi đấu của CLB).

FC Bunyodkor đánh bại Adelaide United ở tứ kết AFC Champions League, tháng 9/2012
FC Bunyodkor đánh bại Adelaide United ở tứ kết AFC Champions League, tháng 9/2012

Sức hút của Bunyodkor giúp họ có được chữ ký của danh thủ Rivaldo đến từ Brazil năm 2008 và sau đó mời được Zico và Luiz Felipe Scolari về với tư cách HLV. Cũng trong năm 2008, họ mời được một số cầu thủ Barcelona (Andres Iniesta và Carles Puyol) sang hướng dẫn đào tạo bóng đá trẻ. Bên cạnh Bunyonkor, một CLB khác là Pakhtakor đang giữ kỷ lục vô địch VĐQG và cúp Quốc gia, và là đội bóng duy nhất trong lịch sử bóng đá châu Á đã dự tất cả các kỳ AFC Champions League trong vòng 11 năm qua.
Và hiện tại, Uzbekistan chỉ cần thêm 1 chiến thắng nữa thôi là sẽ lần đầu tiên được dự World Cup. Đội hình đội tuyển quốc gia, một tập hợp các cầu thủ giỏi đang chơi ở trong nước, ở Hàn Quốc, ở Nga, ở Trung Quốc và ở Kazakhstan, đang có cơ hội tới Brazil năm 2014 nếu họ đánh bại được Qatar trên sân nhà hoặc Hàn Quốc trên sân khách.
Với một đất nước mà vị trí địa lý không cho phép giao thương đường biển, GDP của năm 2011 là 95,239 tỷ USD (so với 137 tỷ USD của Việt Nam), tổng số dân 29.5 triệu người và 30% dân số vẫn sống dưới mức nghèo, việc lọt vào chung kết World Cup 2014 sẽ là một thành tựu đáng khen ngợi của bóng đá Uzbekistan nói riêng và chính phủ Uzbekistan nói chung.
Hoàng Quân