Bộ trưởng Hầu A Lềnh: Ưu tiên bố trí việc làm với đối tượng dự bị đại học, ĐH

07/06/2023 10:35
Huệ Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo Bộ trưởng, chính sách bố trí tuyển dụng, sử dụng cán bộ người DTTS trong hệ thống chính trị hiện đang rất được các địa phương, các Bộ ngành quan tâm, ưu tiên.

Ưu tiên bố trí việc làm cho đối tượng dự bị đại học, đại học

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, trong sáng nay (ngày 7/6), Quốc hội sẽ dành 60 phút để tiếp tục chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. Trong phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang sẽ báo cáo, làm rõ thêm một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm và việc phối hợp 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn. Từ chiều ngày 6/6, các đại biểu Quốc hội đã có nhiều ý kiến chất vấn về vấn đề dân tộc.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) đặt câu hỏi: “Trong các chuyến đi vùng sâu, vùng xa, tôi gặp rất nhiều người đồng bào dân tộc bị tái mù chữ. Xin hỏi là Ủy ban đã có khảo sát nào về tỉ lệ tái mù chữ của các đồng bào dân tộc từ thiếu niên đến người trưởng thành.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định). Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định). Ảnh: quochoi.vn.

Bộ trưởng có phương án nào phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và Bộ Giáo dục và Đào tạo để chúng ta giải quyết vấn đề này?”.

Đối với ý kiến của Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu về tái mù chữ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết: “Theo số liệu thống kê đến thời điểm hiện nay của chúng tôi, số tái mù chữ hay nói cách khác là người dân tộc thiểu số chưa nói thông, viết thạo tiếng và chữ Việt chiếm khoảng 15% trong tổng số người đồng bào dân tộc thiểu số.

Đây là một chính sách giáo dục rất cật lực, rất tốt của Đảng, Nhà nước ta trong nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ, đến bây giờ vẫn còn tỉ lệ 15%.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn.

Đây cũng là những điều hết sức trăn trở, trong 15% này có cả tái mù, có cả những người chưa bao giờ đi học do nhiều yếu tố khách quan.

Chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để có các giải pháp trong các chính sách giáo dục thời gian tới đây để giải quyết dứt điểm vấn đề này ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là 6 nghị quyết của Bộ Chính trị phát triển 6 vùng kinh tế, trong đó có nhiệm vụ về phát triển giáo dục thì có nêu vấn đề này và hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai 4 hội nghị ở 4 vùng kinh tế vì trong triển khai của Bộ Giáo dục và Đào tạo là sẽ nghiên cứu và có chính sách để xóa mù.

Trong tất cả các nghị quyết của Chính phủ về chương trình hành động, Chính phủ đều có nghị quyết về xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số và trong chiến lược phát triển giáo dục tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo trình thì sẽ tiếp tục giải quyết vấn đề này”.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) đặt câu hỏi: “Theo Thông tư số 02 của Ủy Ban Dân tộc về việc đào tạo dự bị đại học, đại học thực hiện theo quy trình khép kín từ dự bị đại học lên đại học và được thực hiện theo phương thức ký kết hợp đồng đào tạo với cơ sở giáo dục đại học với nguồn kinh phí ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng). Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng). Ảnh: quochoi.vn.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, với chính sách tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy thì việc bố trí việc làm cho đối tượng này sau khi đào tạo xong là hết sức khó khăn.

Vậy, quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề trên như thế nào, với phạm vi trách nhiệm của Bộ trưởng thì giải pháp nào để sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực đã được đào tạo nói trên?”.

Phát biểu tranh luận, Đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) bày tỏ băn khoăn: “Một vấn đề đặt ra là tùy từng địa phương, mỗi địa phương sẽ có chính sách khác nhau, không đồng bộ trong cả nước. Vấn đề đặt ra ở đây là tính đồng bộ. Đề nghị Bộ trưởng nghiên cứu thật kỹ vấn đề này và hướng dẫn các địa phương. Liệu có cho phép địa phương có cơ chế ưu đãi vượt trội hơn quy định pháp luật hay không? Đây là vấn đề rất khó và vướng hiện nay, đề nghị Bộ trưởng nghiên cứu thêm và có đề xuất trong thời gian tới để đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật...”.

Chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn thành phố Hà Nội) cho rằng, ngôn ngữ - tiếng nói của một dân tộc là tài sản vô giá của mỗi dân tộc, tạo nên âm giai đa sắc, đặc trưng của dân tộc. Tuy nhiên, vị đại biểu cho rằng vẫn còn một bộ phận không nhỏ người các dân tộc không dùng, không biết ngôn ngữ của dân tộc mình.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn thành phố Hà Nội). Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn thành phố Hà Nội). Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị: “Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết quan điểm về vấn đề này như thế nào? Bộ trưởng có biện pháp gì để làm tốt hơn việc học tập sử dụng và gìn giữ ngôn ngữ các dân tộc?”.

Sáng ngày 7/6, trả lời ý kiến tranh luận của Đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) về cần có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đồng tình với quan điểm của đại biểu, trong đó hệ thống chính sách thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải bao gồm chính sách của Trung ương và chính sách đặc thù của địa phương.

Chính sách của Trung ương bao gồm các luật, các văn bản của Trung ương ban hành làm cơ sở địa phương xây dựng chính sách cụ thể hóa vào bối cảnh cụ thể của từng địa phương, nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ở địa phương.

Bộ trưởng cũng cho biết, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn nên chưa thể có những chính sách đủ mạnh, vì vậy trong thời gian tới, Bộ trưởng mong muốn các địa phương bám sát vào chủ trương của Trung ương để có những chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào vùng này, để tạo ra công ăn việc làm, tạo ra thu nhập và giải quyết vấn đề lao động tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

Đối với chất vấn của Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh về vấn đề bố trí việc làm cho sinh viên sau khi học liên thông từ dự bị đại học lên đại học, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết: “Về giải pháp bố trí việc làm trong thời gian tới, với những chính sách về bố trí tuyển dụng, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số hiện nay trong hệ thống chính trị, các địa phương, các Bộ ngành cũng đang rất được quan tâm, ưu tiên. Đây cũng là một nguồn bố trí cán bộ.

Thứ hai, cần phải có một chính sách đặc thù để tuyển dụng đội ngũ cán bộ: Tại Kết luận 65 của Bộ Chính trị đã nếu, một trong 4 nội dung chưa thực hiện có nội dung về có chính sách đặc thù tuyển dụng công chức, viên chức đối với người dân tộc thiểu số, nhất là nhóm dân tộc thiểu số rất ít người, nhóm dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn và phát triển, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số.

Nhiệm vụ này, Chính phủ đã giao cho Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng chính sách này. Hiện nay, Bộ Nội vụ đang đánh giá việc thực hiện Quyết định 402 về xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị. Đồng thời, khi tổng kết Quyết định 402 và đề xuất chính sách mới, sẽ có chính sách đặc thù tuyển dụng đối với đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số theo Kết luận 65 của Bộ Chính trị. Đây cũng là một chính sách sẽ giải quyết vấn đề đầu ra trong lĩnh vực đào tạo đại học đối với những đối tượng đã được quy định trong Chương trình mục tiêu”.

Về chất vấn của Đại biểu Nguyễn Anh Trí về ngôn ngữ, chữ viết, tiếng nói của đồng bào dân tộc, Bộ trưởng cho biết: “Thực tế hiện nay đang diễn ra vấn đề này có nhiều dân tộc có một số dân tộc người dân tộc thiểu số không biết tiếng nói của mình, không biết chữ viết của mình.

Hiện nay Chính phủ đã có rất nhiều chính sách, trong đó có Nghị định 82 của Chính phủ quy định về việc học và nói chữ viết trong cơ sở giáo dục, trung tâm giáo dục thường xuyên.

Vấn đề này thuộc trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ đang triển khai đào tạo đội ngũ giáo viên thiết kế chương trình để dạy tiếng nói, chữ viết…”.

5 giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế

Kết luận nội dung chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực dân tộc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, với đặc thù là một quốc gia có nhiều dân tộc cùng sinh sống, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định và nhất quán về chính sách dân tộc theo nguyên tắc các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển; vấn đề dân tộc và công tác dân tộc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách; là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của hệ thống chính trị.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, qua báo cáo và các chất vấn, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, nhất là việc chậm triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia. Một số văn bản hướng dẫn ban hành chậm hoặc thiếu đồng bộ, chưa rõ ràng, chưa có định mức cụ thể.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận nội dung chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực dân tộc. Ảnh: quochoi.vn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận nội dung chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực dân tộc. Ảnh: quochoi.vn.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, các Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đã đề ra nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tập trung: Một là, quyết liệt triển khai các giải pháp để thực hiện hiệu quả Kết luận 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội; nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, định hướng quan trọng về chính sách dân tộc cho giai đoạn 2021-2030.

Hai là, huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; trong đó, tập trung vào địa bàn đặc biệt khó khăn, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn và có khó khăn đặc thù…

Ba là, sớm hoàn thành việc rà soát, tổng hợp, sửa đổi, bổ sung danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I giai đoạn 2021-2025; lập danh sách các xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã, thôn chia tách, sáp nhập hoặc đề nghị điều chỉnh tên gọi; trên cơ sở đó, nghiên cứu, đề xuất giải pháp cụ thể đối với việc phân định vùng dân tộc và miền núi theo trình độ phát triển phù hợp với thực tiễn và các quy định hiện hành.

Bốn là, tập trung triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số chưa có hoặc thiếu đất ở, đất sản xuất.

Năm là, hạn chế tối đa chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích ngoài lâm nghiệp; hoàn thành việc giao đất, giao rừng, cho thuê rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, bảo đảm tất cả diện tích rừng và đất được quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp phải được giao, cho thuê đến những chủ rừng thực sự.

Huệ Phương