Bộ đang sửa thông tư, thầy cô coi chừng mất tiền oan với chứng chỉ CDNN

20/06/2022 06:48
Nguyễn Nhật Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong lúc chờ đợi Thông tư 01-04 sửa đổi chính thức ban hành, giáo viên không nên bỏ tiền học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, kẻo tiền mất, chứng chỉ vô giá trị.

Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp là nỗi ám ảnh của thầy cô giáo trong thời gian qua, là “giấy phép con”, là một trong những chuẩn mang tính hình thức của ngành giáo dục.

Ngày 18/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 89/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 1/9/2017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Tại khoản 3 Điều 18 Nghị định số 89/2021/NĐ-CP quy định “3. Viên chức phải hoàn thành chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành trước khi bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp….”.

Như vậy, từ ngày 10/12/2021, giáo viên chỉ còn duy nhất 1 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành sẽ thay thế chứng chỉ chức danh nghề nghiệp các hạng I, II, III trước đây.

Cứ ngỡ đến thời điểm này Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng I, II, III của giáo viên trước đây đã đi vào “lịch sử”, thế nhưng khi thực hiện chùm thông tư 01-04, cơ quan chức năng vẫn yêu cầu giáo viên phải nộp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Ảnh chụp màn hình quảng cáo học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp trên mạng xã hội.Ảnh chụp màn hình quảng cáo học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp trên mạng xã hội.

Có cầu, ắt có cung, trên mạng xã hội vẫn tràn ngập lời mời giáo viên học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp các hạng.

Trong vai người muốn học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, người viết đã liên hệ với một người tự xưng A., có “thâm niên” trong tổ chức các lớp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cho giáo viên.

Để có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng II, người viết phải đóng 2.700.000 đồng, sẽ có link học online, do giảng viên trường đại học… dạy.

Điều đặc biệt, A. cho biết, học viên thích thì học, không thích thì thôi, chỉ cần nộp báo cáo thu hoạch. Báo có thu hoạch cũng đã được A. gửi ngay khi người viết ngỏ ý muốn học, để minh chứng.

Khi người viết lo ngại tính pháp lý của chứng chỉ, A. khẳng định chứng chỉ có hồ sơ gốc đầy đủ và gửi cho một số hình ảnh chứng chỉ mà A. mới tổ chức cho giáo viên học để người viết kiểm tra trên hệ thống.

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT.

Khoản 2 Điều 5 dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT ghi rõ: Điều khoản thi hành

2. Các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng I, hạng II, hạng III đã được cấp theo quy định của pháp luật trước ngày chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thay thế có hiệu lực thi hành thì được xác định là tương đương với chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của cấp học tương ứng (giáo viên được dùng một trong các chứng chỉ hạng I, hạng II, hạng III đã có để xác định tương đương).[1]

Nghị định số 89/2021/NĐ-CP có hiệu lực ngày 18/10/2021, theo dự thảo Thông tư 01-04 sửa đổi, giáo viên được dùng một trong các chứng chỉ hạng I, hạng II, hạng III đã có trước ngày 18/10/2021 để xác định tương đương với chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành.

Những chứng chỉ hạng I, hạng II, hạng III của giáo viên được cấp sau ngày 18/10/2021 có thể trở nên vô giá trị theo dự thảo Thông tư 01-04 sửa đổi.

Vấn đề đặt ra, có những lớp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên mở gần ngày 17/10/2021 phải đến ngày 17/11/2021 mới hoàn thành khóa học, vậy những giáo viên được cấp chứng chỉ trong thời gian này sẽ như thế nào?

Vì vậy, kính đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét sửa đổi thời gian cấp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp với chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên.

Trong lúc chờ đợi Thông tư 01-04 sửa đổi chính thức ban hành, giáo viên không nên bỏ tiền học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, kẻo tiền mất, chứng chỉ vô giá trị.

Tài liệu tham khảo:

- Nghị định số 89/2021/NĐ-CP

- Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT

[1]https://moet.gov.vn/van-ban/vbdt/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1585

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Nhật Minh