Bị đánh vì cho HS hạnh kiểm TB: GV làm đúng trách nhiệm lại trở thành nạn nhân?

28/05/2023 07:10
HƯƠNG MAI
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bạo lực chưa bao giờ là cách giải quyết hay, hợp lý đối với mọi người, nhất là những người đã trưởng thành mà thiếu đi sự kiềm chế bản thân.

Tình trạng phụ huynh hành hung giáo viên trong những năm qua ở một số địa phương không còn là những câu chuyện hiếm. Mỗi khi sự việc như vậy xảy ra cho thấy nhiều bài học chát đắng, một nỗi buồn dai dẳng.

Mới đây nhất, vào lúc 18h30 ngày 25/5 đã xảy ra sự việc cô V.T.K.Q, giáo viên trường Trung học phổ thông Lê Duẩn (xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) cùng 2 con đang ở nhà riêng thì ông L.M.D (phụ huynh em L.M.Q, học sinh trường Trung học phổ thông Lê Duẩn) tới nhà chửi bới và tấn công.

Điều đáng nói là ông L.M.D cũng là giáo viên đang công tác tại một trường Trung học cơ sở ở xã Quảng Sơn. Khi sự việc xảy ra, nhiều người đã tới can ngăn, ông D. bỏ chạy. Cô Q. được người dân đưa đến cơ sở y tế để sơ cứu rồi trình báo cơ quan chức năng.

Sự việc giáo viên nam đi hành hung nữ giáo viên đã dạy con mình, sinh sống trong cùng địa bàn, 2 nhà chỉ cách nhau khoảng 100m khiến cho chúng ta nhiều suy ngẫm trong cách ứng xử về tình làng nghĩa xóm và vị thế của một người thầy đang hàng ngày giảng dạy cho học trò về tri thức, nhân cách, về đối nhân xử thế.

Cô Q. bị thương nhiều vị trí sau khi bị ông L.M.D. tấn công. Ảnh minh họa: Báo Đăk Nông

Cô Q. bị thương nhiều vị trí sau khi bị ông L.M.D. tấn công. Ảnh minh họa: Báo Đăk Nông

Giáo viên làm đúng trách nhiệm sao lại trở thành nạn nhân?

Theo cô V.T.K.Q., cách đây khoảng 1 tháng, em L.M.Q. có hành vi xúc phạm giáo viên nên cô phê vào sổ đầu bài. Sau đó, Hội đồng trường cũng đã họp 2 lần và thống nhất xếp loại hạnh kiểm em L.M.Q. trung bình học kỳ 2 và trung bình cả năm.

Khi biết con trai bị xếp loại hạnh kiểm trung bình và không đủ điều kiện để xét tuyển vào một số trường đại học, ông L.M.D. đã đến nhà cô Q. đánh nạn nhân gây thương tích. [1]

Lâu nay, một số ý kiến vẫn cho rằng đối với giáo viên thì ngoài việc dạy tri thức cần phải uốn nắn học sinh về đạo đức, cách ứng xử với mọi người. Vì thế, ngoài sự nghiêm khắc cũng cần sự bao dung, vị tha.

Bởi vì khi đã xếp loại hạnh kiểm học sinh ở loại thấp, phê vào học bạ sẽ dẫn đến sự khó khăn cho học sinh trong quá trình học tập, làm việc sau này. Suy nghĩ này hoàn toàn đúng và nhà trường vẫn thường làm như vậy.

Tuy nhiên, sự việc này có lẽ không đơn thuần như vậy, khi đặt trường hợp em L.M.Q. đã là học sinh lớp 12 nên không còn nhỏ dại nữa. Những hành động, ứng xử với giáo viên trên lớp không còn là bột phát như học sinh Trung học cơ sở vì em đã 18 tuổi.

Vậy nhưng, em học sinh này đã có “hành vi xúc phạm giáo viên nên bị cô phê vào sổ đầu bài” đến nỗi “Hội đồng trường cũng đã họp 2 lần” để thống nhất xếp loại hạnh kiểm cho em ở mức Trung bình thì sự việc không còn giản đơn nữa.

Thông thường, học sinh cuối cấp thì nhà trường vẫn nương nhẹ khi các em vi phạm nhưng ở đây có lẽ không thể nương nhẹ, chiếu cố được nên “Hội đồng trường cũng đã họp 2 lần” để đưa ra mức kỷ luật học trò.

Chia sẻ về việc này, ông Trịnh Văn Thương – Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Lê Duẩn cho biết: “phụ huynh đánh cô Q. cũng là thầy giáo dạy cấp 2 trường Trung học cơ sở Hoàng Văn Thụ, ngay cạnh trường Trung học phổ thông Lê Duẩn. Em Q. là học sinh chuyển từ Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Tây Nguyên về trường giữa học kỳ II năm lớp 12.

Học sinh này vi phạm vô lễ với giáo viên, bị phê bình vào sổ đầu bài. Sau đó, cuối năm nhà trường cũng thành lập hội đồng bình xét hạnh kiểm. Tổng hợp từ các ý kiến, bỏ phiếu kín, nhà trường đã xếp loại hạnh kiểm trung bình học kỳ 2 và trung bình cả năm học đối với em Q.

Vị này cho biết thêm, việc xếp loại này dựa trên kết quả đánh giá năm học, do em Q. nhiều lần vi phạm nội quy, quy định của trường học. Sau đó, phụ huynh em Q. không đồng ý xếp loại hạnh kiểm trung bình của con nên có đơn kiến nghị lên nhà trường.

Chúng tôi thành lập bình xét hạnh kiểm lần thứ 2 đối với em Q. Lần này nhà trường cũng bỏ phiếu kín và kết quả thống kê từ các phiếu vẫn giữ nguyên xếp loại hạnh kiểm trung bình của học sinh này". [2]

Tuy nhiên, cũng cần đánh giá ngược lại vấn đề. Tại sao học sinh lại có hành vi xúc phạm giáo viên trên lớp? Nếu giáo viên chuẩn mực về tác phong, giỏi phương pháp giảng dạy và có cách ứng xử phù hợp với học trò thì sự việc có dẫn đến kết quả như vậy hay không?

Vẫn biết, học sinh ngày nay có một số em ngỗ ngược, có những lời nói, hành động không phù hợp với thầy cô của mình nhưng thực tế giáo viên giỏi chuyên môn, cứng về phương pháp, có cách xử lý khéo léo thì rất khó xảy ra việc học trò nào dám hỗn láo với thầy cô của mình.

Phụ huynh là thầy giáo đi đánh cô giáo của con mình là đáng trách vô cùng

Khi học về sư phạm, bài học đầu tiên của sinh viên sư phạm là học cách ứng xử, học các tình huống sư phạm, học về môn tâm lý lứa tuổi để sau này xử lý những tình huống mà người giáo viên sẽ gặp khi đứng lớp.

Tất nhiên, khi đứng lớp sẽ có những tình huống ngoài giáo trình sách vở của nhà trường. Vì thế, đòi hỏi sự khéo léo của người thầy kể cả trong và ngoài nhà trường.

Đặt trong sự việc ông L.M.D (phụ huynh em L.M.Q, học sinh trường Trung học phổ thông Lê Duẩn) khi biết con bị xếp hạnh kiểm trung bình tất nhiên sẽ có những phản ứng và tự ái cá nhân. Bởi vì con giáo viên mà bị xếp hạnh kiểm trung bình thường có tâm lý nặng nề lắm.

Thế nhưng, khi sự việc xảy ra rồi, nhất là 2 gia đình lại sống gần nhau thì tìm được cách ứng xử phù hợp với nhau mới là điều cần có của cả 2 giáo viên. Thế nhưng, ông L.M.D lại chọn cách tìm đến nhà của giáo viên dạy con mình để chửi bới và tấn công là điều đáng trách vô cùng.

Cách giải quyết tình huống này cho dù là bột phát thì cũng không thể chấp nhận được vì sự việc con mình đã được Hội đồng nhà trường xử lý, xếp loại hạnh kiểm cũng đồng nghĩa là nhà trường đã phân tích kĩ lưỡng mọi sự việc mới đưa ra quyết định cuối cùng.

Vì thế, ngay sau sự việc xảy ra và được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng thì bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông cho biết Ủy ban nhân dân tỉnh đang làm văn bản gửi Sở Giáo dục và Đào tạo cũng như Công an tỉnh nhanh chóng vào cuộc làm rõ để xử nghiêm theo quy định của pháp luật.

Cũng liên quan đến vụ việc này, ông Trần Nam Thuần, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đắk Glong, cho biết: "Tôi đã trực tiếp chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã Quảng Sơn và công an xã này nhanh chóng điều tra làm rõ, sớm có kết quả báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh huyện để có hướng xử lý tiếp theo".[1]

Rồi đây, phụ huynh- thầy giáo L.M.D sẽ bị xử lý ở nhiều phương diện khác nhau và nhiều án kỷ luật đang chờ ở phía trước. Chỉ một vài phút nóng giận, thiếu kiềm chế bản thân đã đẩy sự việc đi quá xa và bất lợi cho mình.

Những bài học nào được rút ra?

Sự việc cô V.T.K.Q, giáo viên trường Trung học phổ thông Lê Duẩn (xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) bị phụ huynh hành hung không phải là sự việc đầu tiên bởi trước đây chúng ta đã thấy những sự việc tương tự.

Đó là, sáng 28/9/2017, một giáo viên trường Tiểu học Đặng Cương (An Dương, Hải Phòng) bị một nhóm đối tượng xông vào phòng học, lăng mạ, hành hung khiến cô giáo này phải nhập viện cấp cứu.

Nhóm phụ huynh dùng mũ bảo hiểm, dép đập đầu và tát vào mặt chị H. Mặc dù đã được can ngăn nhưng nhóm phụ huynh này vẫn không dừng lại mà tiếp tục chửi bới, hành hung khiến chị H. choáng váng, phải nhập viện thở ô xy. [3]

Chiều ngày 02/4/2018 học sinh là em Y. bị một bạn nam đánh. Sau khi về nhà kể lại với mẹ, bố cô bé cùng một người bạn nhậu tới thẳng trường để hỏi cô Nguyễn Thị Thanh D., về vụ việc. Chưa kịp để cô có lời giải thích, ông Vũ xông tới và tát vào mặt cô giáo tới tấp mặc cho sự can ngăn của Ban giám hiệu nhà trường. [3]

Và, rất nhiều những sự việc tương tự xảy ra trong thời gian qua gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về cách ứng xử hiện nay giữa giáo viên với học sinh; phụ huynh với giáo viên khiến nhiều người băn khoăn, day dứt…và có rất nhiều bài học cần được rút ra.

Thứ nhất: khi đứng lớp, thầy cô giáo cần có tác phong chuẩn mực và chuẩn bị bài giảng chu đáo, cẩn thận. Quá trình đứng lớp cần bình tĩnh trước các tình huống sư phạm có thể xảy ra với lớp của mình.

Học trò bây giờ không thụ động như trước đây mà nhiều em sẽ có sự phản kháng khi gặp những lời lẽ không phù hợp của giáo viên. Hoặc các em có thể phản biện lại những kiến thức, lời lẽ của thầy cô mà các em thấy chưa phù hợp.

Gặp những trường hợp như vậy, giáo viên hãy xem đó là chuyện bình thường và tìm cách hóa giải tình huống một cách phù hợp nhất. Hơn nữa, cái nào giáo dục được thì tìm cách giáo dục, không nên cái gì cũng ghi vào sổ đầu bài và đưa lên Hội đồng nhà trường.

Thứ hai: đối với học sinh bây giờ thực tế một số em được cưng chiều quá mức nhưng lại thiếu đi sự giáo dục nghiêm khắc và khích lệ học tập từ gia đình nên khi vào lớp có những em chưa chú tâm chuyện học hành mà quậy phá thầy cô, bè bạn.

Chính vì vậy, phụ huynh cũng cần gần gũi, tìm hiểu, trò chuyện và thông qua những câu chuyện hàng ngày giáo dục các em về lễ nghĩa, biết ứng xử phù hợp và có các kĩ năng cần thiết khi gặp những tình huống ngoài mong muốn để không có những lời lẽ, hành động thiếu kiềm chế với những người xung quanh.

Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần phối hợp với thầy cô ở trường để giáo dục con em mình với phương pháp phù hợp.

Thứ ba: đối với phù huynh cũng cần bình tĩnh tìm hiểu khi con mình gặp những sự cố ngoài mong muốn đã xảy ra ở trường. Thương con, nghe con, lo cho con nhưng cần tìm hiểu sự việc trước khi đưa ra quyết định, hành động của mình.

Đừng vì một phút giây thiếu bình tĩnh mà ảnh hưởng đến con em mình, cũng như bản thân mình trước bàn dân thiên hạ.

Bạo lực chưa bao giờ là cách giải quyết hay, hợp lý đối với mọi người, nhất là những người đã trưởng thành. Bình tĩnh trong ứng xử thì khó khăn nào cũng được giải quyết ổn thỏa, hợp lý vì mục tiêu cuối cùng là nhà trường và gia đình cùng phối hợp với nhau để dạy dỗ, định hướng học trò có động lực học tập, có ý chí tiến thủ và có đạo đức tốt.

Vì thế, người lớn cần làm gương cho học trò, cho con em mình. Sự ích kỷ, thiếu kiềm chế bản thân chỉ đẩy các sự việc đến kết quả xấu và hệ lụy thường rất lớn.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/con-trai-bi-hanh-kiem-trung-binh-thay-giao-den-nha-hanh-hung-dong-nghiep-2147240.html

[2] https://www.nguoiduatin.vn/vu-co-giao-bi-thay-giao-hanh-hung-hieu-truong-noi-gi-a609740.html

[3] https://soha.vn/hai-phong-giao-vien-bi-phu-huynh-hoc-sinh-hanh-hung-ngay-tren-lop-phai-nhap-vien-tho-o-xy-20170930094826754.htm

[4]https://vtc.vn/nhung-lan-hanh-hung-lang-ma-giao-vien-cua-phu-huynh-ar443731.html

HƯƠNG MAI