BCĐ cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Phát huy sức mạnh của dân

17/05/2022 06:42
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh sẽ phát huy được sức mạnh của nhân dân trong việc giám sát thực thi quyền lực và phát huy dân chủ

Tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Bộ Chính trị đã giao Ban Nội chính trung ương chủ trì, nghiên cứu, xây dựng đề án thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời 63/63 tỉnh, thành phố cũng tán thành việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.

Chỉ đạo của Bộ Chính trị được dư luận hết sức quan tâm, bởi gần 10 năm qua, công cuộc phòng chống tham nhũng dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú đã đạt được nhiều thành công. (1)

Trao đổi về nội dung trên, các chuyên gia đều đồng tình ủng hộ việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh.

Theo ông Bùi Văn Phương - Đại biểu quốc hội khóa XIII-XIV, trước năm 2013, chúng ta đã có Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở cấp tỉnh, khi đó người đứng đầu cấp tỉnh là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh và ở cấp Trung ương là Thủ tướng chính phủ (*) .

Tuy nhiên, những hoạt động của các đơn vị này rất mờ nhạt, hiệu quả rất ít. Một trong những nguyên nhân khiến Ban này hoạt động không hiệu quả được chỉ ra rằng cơ cấu Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng không phù hợp.

Thực tế cho thấy, những người được giao nắm giữ quyền lực thường rất dễ nảy sinh tình trạng lạm quyền. Đây là một trong những yếu tố dễ phát sinh tiêu cực tham nhũng.

Thực tế cho thấy, người đứng đầu một số cơ quan hành pháp lại đứng ra làm Trưởng ban Phòng chống tham nhũng, thì không ai tự "lấy dao chặt vào chân mình". Chính vì vậy, hiệu quả, hiệu lực của Ban Chỉ đạo này khi xưa không cao.

Ông Bùi Văn Phương phát biểu tại nghị trường khi còn là Đại biểu quốc hội. (Ảnh: CT)

Ông Bùi Văn Phương phát biểu tại nghị trường khi còn là Đại biểu quốc hội. (Ảnh: CT)

Sau khi chúng ta đổi lại vị trí Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trung ương là Tổng Bí thư, thì đã có những hiệu quả rõ rệt, nhiều "củi tươi, củi khô" được cho vào "lò".

"Cán bộ, đảng viên đều nhận thức sâu sắc rằng nếu không chống tham nhũng, tiêu cực, thì sẽ ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng và chế độ. Từ đó đã tạo nên sự đồng lòng trong toàn hệ thống chính trị, đứng đầu là Tổng Bí thư và việc phòng chống tham nhũng đã đạt được kết quả.

Lòng tin của nhân dân đối với công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực được lấy lại thực sự", ông Phương cho hay.

Theo ông Phương, thực tế, nếu chỉ riêng cấp trung ương thực hiện rốt ráo phòng chống tham nhũng, có lẽ chưa đạt yêu cầu.

Bởi vì tham nhũng xảy ra ở bất cứ nơi nào có quyền lực, trong khi quyền lực phân chia nhiều cấp, nên việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là phù hợp với thực tiễn.

Tiếp đó, sau khi có Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, chúng ta có thể tính toán mở rộng tiếp ở cấp dưới.

"Theo tôi, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh có thể bao quát được tất cả vì phạm vi bó hẹp.

Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban Chỉ đạo là người đứng đầu cấp ủy, chịu trách nhiệm trước đảng bộ, trước nhân dân về vấn đề để xảy ra tham nhũng, tiêu cực thì tôi rất đồng tình.

Đây là sự đồng bộ, thống nhất từ trên xuống dưới trong việc phòng chống tham nhũng. Tôi hi vọng sẽ có hiệu lực, hiệu quả từ đơn vị này", ông Phương nhận định.

Có ý kiến cho rằng, thành phần giám sát trực tiếp đối với Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh sẽ là Ban Thường vụ tỉnh, Thành ủy, Ban Chỉ đạo trung ương. Vậy sự giám sát này sẽ chặt hơn so với trước đây?

Theo ông Bùi Văn Phương, với thành phần giám sát trên, chắc chắn có sự chặt chẽ hơn so với trước đây vì vai trò cụ thể của người làm chủ trì, trực tiếp, gián tiếp và phối hợp, đều rõ trách nhiệm, chức năng nhiệm vụ.

Như vậy một khi xảy ra tham nhũng, tiêu cực thì không thể đùn đẩy việc chịu trách nhiệm.

Bộ máy của chúng ta hoạt động theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách nên nếu Bí thư Tỉnh ủy có sai phạm thì không thể không có trách nhiệm Ban Thường vụ, Ban Chấp hành. Đặc biệt là ý kiến của công luận, đảng viên, thì cán bộ không thể qua được "tai mắt" của nhân dân.

Hiện nay nhân dân, cán bộ đảng viên, là bộ phận quan trọng trong việc giám sát quyền lực.

Trước đây, tiếng nói của người dân cũng chưa có trọng lượng, còn đối với đảng viên thì e dè sợ đe dọa, trù dập nên không dám nói.

Hiện nay, trung ương có chỉ đạo phòng chống tham nhũng tiêu cực với Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh thì với bộ máy, hệ thống đồng bộ, phát huy sức mạnh của dân, trách nhiệm của cán bộ đảng viên thì chắc chắn sẽ có hiệu quả tốt.

Chia sẻ thêm về việc nâng cao phòng chống tham nhũng từ phía người dân, ông Phương cho hay, tiếng nói từ người dân với việc tố giác sai phạm rất quan trọng, cơ quan phòng chống tham nhũng không nên xem nhẹ tiếng nói của họ.

Bên cạnh đó, để tránh sự nể nang trong xử lý sai phạm, thì cần phát huy trách nhiệm của đảng viên, cán bộ đóng góp ý kiến.

Phải có cơ chế cho nhân dân để nói lên tiếng nói, để lắng nghe dân. Thực tế, hiện nay có nhiều đơn từ tố giác nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Tăng cường sự giám sát của dân

Ông Nguyễn Túc, ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho hay, mô hình Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng Ban chỉ đạo cấp tỉnh là hết sức cần thiết và phù hợp với mô hình người đứng đầu cấp ủy sẽ đứng đầu công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

"Trong thời gian qua, đặc biệt sau Đại hội XI, XII và năm đầu tiên của Đại hội XIII chúng ta đạt được những kết quả rất tích cực lấy lại niềm tin của nhân dân, nhưng vấn đề tham nhũng, tiêu cực, cán bộ thoái hóa biến vẫn còn rất nghiêm trọng, đặc biệt ở cấp cơ sở", ông Túc cho hay.

Như Đại hội XIII từng nhận định, công tác phòng chống tham nhũng ở một số địa phương còn chưa đạt yêu cầu, thậm chí một số nơi coi việc này như một hình thức. Ít địa phương tự phát hiện ra tham nhũng tại cơ quan mình.

Đặc biệt, sự nhũng nhiễu trong bộ máy công quyền thì hết sức nghiêm trọng, gây bất bình trong nhân dân, chưa được ngăn chặn hiệu quả.

"Đây là cấp có thực quyền để thực hiện chỉ đạo của trung ương, làm cho công tác phòng chống tiêu cực ở địa phương được mạnh mẽ hơn, cương quyết hơn, thực hiện chỉ đạo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư là đấu tranh phòng chống tham nhũng không có vùng cấm", ông Túc nhận định.

Ông Túc cho rằng, để Ban chỉ đạo hoạt động hiệu quả thì phải là những người có đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo cấp tỉnh sau khi được thành lập phải đặt dưới sự chỉ đạo tập trung thống nhất của Ban Chỉ đạo trung ương.

Việc sẽ phát huy được sự thông suốt, tránh bị chi phối, chỉ đạo bởi người này, người kia và "trên nóng dưới lạnh" sẽ dần được khắc phục.

Để tránh việc một số Bí thư, nguyên Bí thư Tỉnh ủy vi phạm thời gian qua gây lo ngại đến Bí thư tỉnh ủy làm trưởng ban chỉ đạo ở địa phương thì cần nâng cao giám sát quyền lực, trong đó, ngoài Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ phải huy động "sức mạnh giám sát" của nhân dân.

"Trong Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, tôi đề nghị cần có thành phần đại diện cho người dân nhiều hơn. Ví dụ như đó là ngoài Mặt trận Tổ quốc, thì Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi là những người dám nói, để tiếng nói của dân mạnh mẽ hơn", Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói.

Tài liệu tham khảo:

(*) Theo Nghị quyết số 294A/2007/UBTVQH12, ngày 27 tháng 9 năm 2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về phòng, chống tham nhũng

(1) https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/be-mac-hoi-nghi-trung-uong-5-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xiii-post226379.gd?

Mạnh Đoàn