Bát mèn mén, bó hoa cải thắp động lực cho thầy cô gắn bó điểm trường vùng khó

09/04/2023 07:35
Thiên Hương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Những món quà giản dị thắp lên động lực cho thầy cô yên tâm bám trụ với nghề giáo nơi “nước quý hơn vàng”.

Gửi con về quê, lúc về đón, con không nhận ra bố

Đó là một phần ký ức trong những ngày tháng bám bản, bám lớp của vợ chồng thầy giáo Ngô Quang Cường (sinh năm 1979) và cô giáo Phạm Thị Hà (sinh năm 1978).

Thầy Cường và cô Hà hiện đang là giáo viên “cắm chốt” tại điểm trường Tả Tủng Chứ, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Thài Phìn Tủng (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang).

Mặc dù xuất thân từ những vùng quê khác nhau, thầy Cường sinh ra ở Lập Thạch (Vĩnh Phúc), còn cô Hà sinh ra ở Sơn Dương (Tuyên Quang), nhưng cả hai cùng gặp nhau ở một “điểm hẹn” - đó là con đường đến với nghề dạy học.

Khi ấy, chàng trai trẻ Ngô Quang Cường từ những năm tháng tuổi thơ vốn được nuôi dưỡng bởi tình yêu với nghề giáo của mẹ, lại chứng kiến và trực tiếp cảm nhận được những tình cảm chân thành ấm áp của các thầy cô giáo dành cho mình, nên đã hạ quyết tâm theo đuổi nghề giáo. Còn với cô gái trẻ Phạm Thị Hà, nhìn các chị gái cùng theo nghề dạy học, cô cũng dần yêu thích và mong muốn mình trở thành một cô giáo vùng cao.

Thầy giáo Ngô Quang Cường cùng vợ là cô giáo Phạm Thị Hà. Ảnh: Thiên Hương.

Thầy giáo Ngô Quang Cường cùng vợ là cô giáo Phạm Thị Hà. Ảnh: Thiên Hương.

Vì cơ duyên chọn trở thành giáo viên vùng cao mà cả hai đã gặp và cảm mến nhau, chính thức nên duyên vào năm 2002.

Đến bây giờ, nhắc lại mối duyên năm nào, thầy Cường vẫn giữ nét hóm hỉnh: “Giai đoạn ấy, chúng tôi đúng thực là yêu xa. Tôi công tác ở điểm trường xã Sủng Trái từ năm 1996 ngay sau khi học xong hệ 9+1, và sau thời gian đi học 9+3 (trung cấp sư phạm) về, tôi vẫn gắn bó ở đó. Trong khi ấy, Hà lại công tác ở Thài Phìn Tủng, cách đến vài chục cây số. Mà giai đoạn đó làm gì đã có xe cộ như bây giờ nên có khi vài tháng mới gặp nhau một lần...

Đến khi kết hôn xong, cuộc sống vợ chồng son cũng tương đối vất vả, vẫn trong tình trạng mỗi người một nơi. Thời điểm ấy, cỡ khoảng 2-3 tuần, tôi lại đi bộ từ điểm trường Sủng Trái qua hai xã khác, để bắt xe ca lên thăm vợ. Và chặng đường về cũng dài tương tự".

Đến khi cô Hà sinh con gái đầu lòng, năm 2003, thầy Cường mới được tạo điều kiện về công tác cùng trường với vợ. Ảnh: Thiên Hương.

Đến khi cô Hà sinh con gái đầu lòng, năm 2003, thầy Cường mới được tạo điều kiện về công tác cùng trường với vợ. Ảnh: Thiên Hương.

Năm 2003, khi cô Hà sinh con gái đầu lòng được gần một tuần, thầy Cường vẫn chưa hay biết tin, bởi lúc đó điều kiện thông tin liên lạc không được thuận lợi. “Tự nhiên thấy người cứ nao nao, không biết có chuyện gì, tôi xin nghỉ về thăm thì vô tình mới biết là vợ mình đã sinh. Vợ tôi về quê ngoại sinh con để tiện có người thân chăm sóc, mà để đi được từ điểm trường về đến đó cũng phải rong ruổi mất 2 ngày rưỡi trên đường” - thầy Cường kể lại.

Sau đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Văn đã tạo điều kiện cho hai vợ chồng về công tác tại cùng một trường, để có cơ hội gặp nhau và chăm sóc con nhiều hơn... "Ấy là về chung một trường, còn chúng tôi cũng thường xuyên đi “bám lớp” ở những điểm trường khác nhau suốt gần 20 năm”, thầy Cường nói.

Ngừng một lát, thầy giáo Ngô Quang Cường tiếp tục câu chuyện: “Tôi vẫn nhớ, khi con gái đầu lòng được 18 tháng, công việc của cả hai vợ chồng quá bận rộn mà cũng chưa có điều kiện để có một mái nhà riêng, nên chúng tôi đã quyết định gửi con về quê để ông bà nội chăm sóc.

Thời ấy, phải 3-4 ngày mới có một chuyến xe ca, mà cũng phải đi bộ gần một ngày mới ra đến chỗ bắt xe, nên cả hai vợ chồng không thể về thăm con thường xuyên được. Đến khi con gái gần 4 tuổi, chúng tôi nhớ quá và cũng đã tìm được nhà trọ ở trung tâm thị trấn Đồng Văn để tiện sinh hoạt, nên tôi quyết định về đón con. Nhưng có lẽ, do xa hơi bố mẹ lâu ngày, lúc tôi về đón, con bé thậm chí còn chẳng nhận ra bố... Cứ nghĩ lại khoảnh khắc ấy, mà tôi vẫn còn ứa nước mắt”.

Những món quà ấm nóng tình cảm và niềm tin

Đã công tác và gắn bó với giáo dục Đồng Văn suốt hơn 26 năm qua, thầy giáo Ngô Quang Cường nhớ mãi khung cảnh bộn bề khó khăn ở các điểm trường, nhất là thời điểm trước năm 2000.

“Chẳng phải nhắc quá nhiều, hẳn nhiều người có thể mường tượng được, vì những thiếu thốn ở các điểm trường vùng khó vốn đã trở thành câu chuyện không của riêng bất kỳ thầy cô giáo cắm bản nào...

Khởi điểm ban đầu rất gian nan, hằng ngày, khi trời còn chưa sáng tỏ mặt người, thầy cô đã đến lớp sẵn sàng cho buổi học, gần đến giờ vào lớp mà học sinh chưa đến là thầy cô phải chia ra đi vận động, cứ đi bộ băng rừng, trèo đồi, vượt đá, vượt núi... đến từng gia đình để đón học sinh.

Thầy Cường và cô Hà hiện đang là giáo viên “cắm chốt” tại điểm trường Tả Tủng Chứ, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Thài Phìn Tủng (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang). Ảnh: NVCC.

Thầy Cường và cô Hà hiện đang là giáo viên “cắm chốt” tại điểm trường Tả Tủng Chứ, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Thài Phìn Tủng (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang). Ảnh: NVCC.

Thuở ấy làm gì đã có phòng học kiên cố như bây giờ, chỉ có thể nhờ bà con dựng cho những túp lều tạm. Xã nào khá giả thì có thể trình tường (tường xây bằng đất), còn không thì chỉ chơ vơ mấy bức tường được quây bằng tre nứa. Khi thì mọt vầy, tung bụi mù bốn phía, khi thì mưa gió dột tả tơi giữa đêm khuya, trong lớp có bao nhiêu vật dụng hứng được nước là thầy cô phải bày ra la liệt...

Còn nhắc đến điện và nước trong khoảng thời gian ấy thì thực sự giống như một điều gì đó xa vời lắm. Không có điện, các thầy cô chỉ có thể soạn bài bằng đèn dầu, rồi cùng nhau chia lịch mà tắm giặt, sinh hoạt cho cẩn thận để tiết kiệm nước. Đến nay, nhiều nơi vẫn còn thiếu nước sinh hoạt, mỗi sáng phải nhờ học sinh xách theo một chai nước đi học, để dùng cho sinh hoạt của chính các em trong ngày hôm đó... Ở Đồng Văn, bao năm qua, nước vẫn “quý hơn vàng”...” - thầy Cường nhớ lại.

Nhắc đến một ký ức khó quên, ánh mắt thầy giáo Ngô Quang Cường như pha màu buồn: “Vì điều kiện đường sá xa xôi và cách trở thông tin liên lạc, nên có lúc, tôi đã không kịp ở bên cạnh gia đình khi có việc. Từ những năm 1997-1998, khi ông bà nội mất, ở nhà viết thư lên mà phải đến 2-3 tuần sau tôi mới nhận được tin. Lúc đó cũng đã quá muộn, tôi cũng không thể trở về gặp mặt ông bà lần cuối”.

“Khó khăn, vất vả cũng rất nhiều... Song, động lực lớn nhất để mỗi thầy cô như chúng tôi bám trụ đến thời điểm này, có lẽ là vì ánh mắt những đứa trẻ thơ, tôi mong muốn bất kỳ đứa trẻ nào sinh ra cũng đều được đi học, được biết chữ, được có cơ hội lớn lên và phát triển. Chuyện các thầy cô nguyện dành cả thanh xuân ở những nơi “thâm sơn cùng cốc”, tất cả cũng chỉ vì tương lai của các em học sinh” - người thầy giáo mỉm cười.

Đáng quý nhất trong hành trang những năm đi dạy của cả thầy Cường và cô Hà chính những món quà giản dị mà ấm nóng tình cảm và niềm tin của học trò nơi những bản nghèo.

“Nhiều món quà của học trò từ những thời điểm mới mở lớp, mở trường ở đây khiến tôi cứ nhớ mãi, các em học sinh mang đến cho thầy cô từng quả trứng, mớ rau, hay thậm chí là một bát mèn mén, một bát canh rau cải,... tuy nhỏ bé, đơn sơ nhưng cũng đủ để chúng tôi thấy được, tình cảm, niềm tin của các em học sinh gửi gắm đến với các thầy cô là rất lớn” - thầy Cường chia sẻ.

Những món quà nhỏ của học sinh chính là động lực để những thầy cô như thầy Cường, cô Hà thêm yêu nghề và gắn bó với giáo dục vùng khó. Ảnh: Thiên Hương.

Những món quà nhỏ của học sinh chính là động lực để những thầy cô như thầy Cường, cô Hà thêm yêu nghề và gắn bó với giáo dục vùng khó. Ảnh: Thiên Hương.

Còn với cô Hà, kỷ niệm những món quà của học sinh lại chính là những bông hoa dại được hái dọc đường rừng, hay những bông hoa cải đủ sắc trắng, vàng từ trong vườn nhà... “Mặc dù đó chỉ là những món quà giản dị, nhưng chứa đựng tình cảm chân thành, là những động lực rất lớn để các thầy cô gắn bó đến tận bây giờ” - cô Hà bày tỏ.

Niềm vui lớn lao đối với cả thầy Cường, cô Hà hay bất cứ thầy cô nào đang miệt mài “gieo chữ” chính là được nhìn thấy học trò của mình khôn lớn, trưởng thành.

“Các em học sinh dần lớn lên, thậm chí sau khi đi làm vẫn thường xuyên hỏi thăm, chúc sức khỏe thầy cô. Nhìn các em có công việc ổn định, không còn phải quanh năm bám ruộng bám nương, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, đó là niềm vui và động lực vô cùng lớn để những người thầy như chúng tôi gắn bó với nghề giáo” - thầy Cường tâm sự.

Thiên Hương