Chuyện BLV Tạ Biên Cương: 'Quang Huy cũng từng nói... hớ cơ mà'!

14/06/2012 13:16
Trung Mậm
(GDVN) - “Có những lúc xem bóng đá, nghĩ tới các BLV tôi thực sự xúc động về tình thần cố gắng của họ và thêm yêu mến họ!”
LTS: Khi thực hiện loạt bài viết về “thảm họa” bình luận bóng đá và thực trạng BLV bóng đá Việt Nam hiện nay, Báo Giáo Dục Việt Nam nhận được một bài viết tâm huyết của độc giả Trung Mậm (trungmam**@gmail.com). Để góp phần giúp độc giả có cái nhìn đa chiều, tránh nhận định phiến diện, chúng tôi xin đăng tải nguyên văn bài viết này. Tít bài do tòa soạn đặt.

Những năm gần đây, với sự phát triển của hệ thống công nghệ thông tin, truyền hình khán giả trong cả nước ngày càng được tiếp cận với những giải đấu, trận đấu bóng đá hấp dẫn trên khắp thế giới. Nhu cầu của người xem cũng ngày một tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Đó là nhu cầu được thưởng thức một thứ bóng đá đẹp, cao thượng làm thoả lòng các “tín đồ túc cầu giáo”, cùng với đó là những bình luận sắc sảo, công tâm của các bình luận viên (BLV) có trình độ, có nhiệt huyết.

Hôm qua, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có đăng bài viết về “Bình luận viên Tạ Biên Cương lại ‘gây sốt’ mùa EURO”, tôi có rất nhiều suy nghĩ và xin được bày tỏ một vài ý kiến sau đây.

Cần phải hiểu công việc của các BLV

Tôi cho rằng, chúng ta phải có một cái nhìn rộng mở hơn và phải thật sự hiểu cho công việc mà các BLV Đài truyền hình Việt Nam (VTV) đang làm. Đó là một công việc hết sức khó khăn, ẩn chứa cả những nỗi niềm, tâm sự khó nói của các BLV!

Cần phải cảm thông với những BLV trẻ.
Cần phải cảm thông với những BLV trẻ.

Vấn đề chúng ta nói tới ở đây là năng lực, trình độ của các BLV bóng đá. Tôi nghĩ, không nên so sánh BLV của nước ta với BLV ở các nước có nền bóng đá phát triển. Bởi đó là các BLV chuyên nghiệp, họ được tiếp xúc, được trải nghiệm thực tế. Nơi BLV nước ngoài đang bình luận là một thế giới bóng đá thực sự, người dân ăn bóng đá, ngủ bóng đá, không khí bóng tràn ngập; còn chúng ta phải ngồi trong trường quay để nói về những thứ đang diễn ra cách chúng ta hàng nghìn km, nơi mà sở thích, phong cách và cả cách tiếp cận với bóng đá cũng là một khoảng cách vô cùng lớn. Nếu nói đó là một nghề nghiệp thì cũng không thật sự chính xác, bởi trên thế giới chưa có một nước nào, Liên đoàn bóng đá nào mở lớp đào tạo BLV bóng đá, mà hầu hết họ là những nhà báo, những người yêu bóng đá và có khả năng cũng như mơ ước trở thành BLV.


Tôi theo dõi các chương trình chuyên sâu về Bóng đá trên các kênh K+ “Đội tuyển tôi yêu”, VTV và VTC có chương trình gần giống nhau “Đường tới EURO”, và các phóng sự khác trên các kênh sóng của nhiều đài truyền hình, báo chí thấy xuất hiện nhiều người được coi là “chuyên gia bóng đá”, những người mẫu, diễn viên và cả những người dân yêu bóng đá tham gia bình luận. Họ có những ý kiến hết sức sâu sắc, chính xác và khách quan. Nhưng thử hỏi nếu họ là một BLV bóng đá, họ có nói được như thế không (?!).

BLV Mark Lawrenson của BBC từng là cầu thủ nổi tiếng của Liverpool trước khi chuyển sang nghề bình luận.
BLV Mark Lawrenson của BBC từng là cầu thủ nổi tiếng của Liverpool trước khi chuyển sang nghề bình luận.

EURO 2008 và World Cup 2010, VTV có vị khách mời là Nhà báo, Tiến sỹ Vũ Công Lập, một người có kiến thức sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, đánh giá của ông về các trận đấu, các cầu thủ, các tình huống bóng hầu hết đều được người nghe đồng tình. Nhưng ông cũng không phải là một chuyên gia bóng đá. Hay như Phó Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá Hà Nội, ông Phan Anh Tú, nhà báo Phan Đăng, hoặc bất kỳ ai tham gia bình luận bóng đá trên VTV, họ đều vì một điểm chung duy nhất là yêu bóng đá chứ không phải vì một lý do nào khác. Xét ở góc độ khác, việc có những vị khách mời như vậy sẽ giúp khán giả có những đánh giá khách quan hơn, xác đáng hơn về trận đấu đó, và nếu tinh tế hơn thì nó còn cho thấy mong muốn của VTV, của các BLV là mang lại cho khán giả một thứ bóng đá thực sự, từ trên sân cỏ đến sau hậu trường. Tránh sự nhàm chán, khó chịu khi phải nghe một BLV độc thoại từ đầu tới cuối. Nhưng trên tất thảy, đó là làm hài lòng khán giả, kể cả những người khó tính.

Thời của những BLV kỳ cựu như Bùi Quang Tùng và Vũ Quang Huy tại VTV dường như vẫn còn rất sâu đậm trong lòng những người yêu bóng đá Việt Nam, chúng ta đang có một thế hệ BLV mới, trẻ nhiệt huyết và tài năng. Vì hầu hết họ mới công tác ở VTV một vài năm, thêm vào đó phải đảm nhiệm những nhiệm vụ lớn nên việc mắc phải những sai sót là không thể tránh khỏi. Và vì thế, xin đừng lấy chuyện đó ra để soi mói, phê bình một cách tiêu cực.

Ngay cả những BLV được yêu thích nhất như Quang Huy cũng mắc sai sót.
Ngay cả những BLV được yêu thích nhất như Quang Huy cũng mắc sai sót.

Chúng ta nói rằng họ không đủ chuyên môn, không phù hợp nên mới gây ra những phản hồi như thế. Xin thưa rằng, ai cũng sai, kể cả những BLV như Quang Huy hay Quang Tùng. Tôi còn nhớ BLV Quang Huy đã từng nói một câu rất thô rằng: “Đó là một cú sút bắn chim” thay vì gọi cút sút đó không trúng đích. Hay gần đây chúng ta tranh luận về các gọi tên các cầu thủ theo tên tiếng Anh, điển hình là Robben, Özil,… Thực ra cách gọi thế nào không quan trọng vì bản thân người nghe và kể cả những người “phán xét” cũng đâu gọi được đúng tên của các cầu thủ theo chuẩn Anh ngữ, trong khi nhân vật đang nói tới không hề thay đổi. Nhiều ý kiến nói cách gọi “Rốp-bừn” (tên cầu thủ người Hà Lan Arjen Robben), hay “Uê-din” (tên cầu thủ người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ Mesut Özil) của BLV VTV là sai. Tôi đã tham khảo nhiều kênh nước ngoài uy tín (Sky Sport, EURO Sport News,…) và cả cách gọi theo “tiếng mẹ đẻ” cầu thủ ấy, cho thấy rằng đó là cách gọi đúng.

Chúng ta không nên xem xét ở góc độ VTV thiếu hay không thiếu BLV. Mà hãy nhìn thẳng vào thực trạng hiện nay ở Việt Nam. Trong số hàng trăm, hàng nghìn nhà báo, phóng viên, biên tập viên, BLV làm công tác trong lĩnh vực thể thao nói chung và bóng đá nói riêng để tìm được một BLV giỏi chuyên môn đã khó, đáp ứng được yêu cầu của hàng chục triệu khán giả đang theo dõi còn khó khăn hơn rất nhiều lần. Nhiều người coi “nghề BLV hết sức kén người”, không phải cứ có hiểu biết, khả năng và ước mơ là có thể trở thành BLV, mà đó dường như còn là một cái “duyên” và cần phải có “duyên” mới có thể làm nghề này lâu dài.

Chắc hẳn Ban Thể thao VTV hay bất kỳ đài truyền hình nào khác không phải không biết đến những vấn đề như chúng ta đang nói tới ở đây, họ cũng phải suy nghĩ, phải xem xét rất kỹ lưỡng mới chọn được BLV cho một trận bóng mà không phải ai cũng thích hợp hay sẵn sàng tham gia.

Những BLV gạo cội như Đình Khải rất được khán giả, thính giả yêu mến.
Những BLV gạo cội như Đình Khải rất được khán giả, thính giả yêu mến.

Các bạn hãy thử tưởng tượng những ngày mùa đông rét buốt hay cả những ngày hè nóng nực, trong khi mọi người đã rời trường quay để về nhà thì những BLV bóng đá phải ở lại chuẩn bị cho trận đấu sắp diễn ra. Trong khi mọi người đang ngủ ngon thì họ lại phải ngồi nói từ đầu tới cuối, phải thể hiện cảm xúc của mình, phải hô hào, tán thưởng thật nồng nhiệt với những pha bóng hay. Có những khi mệt mỏi hiện rõ trên khuôn mặt, hai mắt đỏ ngầu, thâm quầng vì mất ngủ nhưng vẫn phải suy nghĩ, phải căng hai mắt ra cho thêm tỉnh táo. Sau những trận bóng lại tiếp tục đăng tin, viết bài chuẩn bị cho ngày hôm sau, mà phần lớn công việc phải giải quyết về tối và đêm.

Có những lúc xem bóng đá, nghĩ tới các BLV tôi thực sự xúc động về tình thần cố gắng của họ và thêm yêu mến họ!

Đâu là giải pháp

Có lẽ không cần nói nhiều về các BLV nữa, nên chăng cần có một vài giải pháp cho vấn đề này, cốt làm sao để khán giả không còn khó chịu khi nhắc tới các “bình loạn viên”.

BLV Anh Ngọc từng có 3 năm sinh sống ở Italia và có những trải nghiệm sâu sắc về Serie A.
BLV Anh Ngọc từng có 3 năm sinh sống ở Italia và có những trải nghiệm sâu sắc về Serie A.

Như đã nói, muốn hiểu bóng đá thì phải sống, ăn nằm với với bóng đá. Nói như thế có nghĩa là chúng ta nên hợp tác với các nền bóng đá phát triển, đưa các BLV ra nước ngoài theo kế hoạch để họ được cảm nhận về bóng đá với tất cả niềm đam mê của mình. Tôi thấy đó là điều không phải khó khăn hay một sự hy sinh quá lớn nếu coi đó là vì sự phát triển, tương lai của không chỉ riêng BLV mà còn của đài truyền hình đó. Trên hết, đó còn là danh dự, là giá trị mà những người cung cấp dịch vụ cam kết với khách hàng.

Điển hình là BLV Anh Ngọc, người từng công tác tại đài truyền hình Hà Nội, đã sống, làm việc và thưởng thức bóng đá trong nền bóng đá đỉnh cao Calcio Serie A - Italia. Như anh đã từng chia sẻ: “Để tạo ra một không khí sôi động cho người xem bóng đá với vai trò là một BLV thì trước hết mình phải yêu trận đấu, hiểu trận đấu và điều quan trọng nhất là phải sống với nó, phải truyền được sức nóng từ trên các khán đài, nắm bắt được tâm trạng của các cầu thủ, huấn luyện viên, hiểu được trạng thái cảm xúc của các khán giả xem truyền hình. Tóm lại, BLV đôi khi phải "phiêu".”

Về lâu dài, để trở thành một BLV xuất sắc trong lòng khán giả, BLV không chỉ tiếp tục phát huy những lợi thế của cá nhân về giọng nói, ngoại hình, khả năng chuyên môn, mà còn phải thực sự có lòng đam mê, không ngại khó khăn, hy sinh. Là một BLV cần có kiến thức về nhiều vấn đề thể thao và xã hội, học tập và rút kinh nghiệm thường xuyên sau mỗi trận đấu để lần bình luận sau không còn mắc những sai lầm.

Đứng trên góc độ của một khán giả xem bóng đá, chúng ta cũng nên có những góp ý chân thành, sâu sắc và mang tính xây dựng với các đài truyền hình, các BLV. Tôi nghĩ, đó mới là điều quan trọng, vì hơn ai hết, chính chúng ta là người đánh giá BLV ấy được hay không được.

Xin cảm ơn Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có những bài báo rất thú vị, góp phần mang tới những suy nghĩ, nhận xét hết sức khách quan của độc giả. Hi vọng trong một ngày không xa, bên cạnh thưởng thức những trận cầu thực sự hấp dẫn, khán giả truyền hình sẽ được thoả mãn với những lời bình luận hay, công tâm của các BLV./.


* Cuộc tranh luận về chất lượng bình luận của BLV VTV, trong đó nổi bật là BLV Tạ Biên Cương vẫn đang nóng bỏng. Báo Giáo Dục Việt Nam mời bạn đọc gửi quan điểm, ý kiến của mình về vấn đề này và hiến kế, góp ý để nâng cao chất lượng bình luận của các BLV thể thao Việt Nam.

Bạn đọc vui lòng gửi bình luận qua phần thảo luận cuối bài viết này, hoặc BẤM VÀO ĐÂY. Bạn đọc gõ tiếng Việt, có dấu để chúng tôi tiện đăng tải. Mọi ý kiến đóng góp trên tinh thần xây dựng, không có yếu tố kích động, miệt thị sẽ được đăng tải, bài viết chất lượng sẽ được trả nhuận bút. Trân trọng!
Trung Mậm