Bà giáo cả đời không nhận phong bì của phụ huynh với quan điểm "không bán chữ"

07/03/2023 06:44
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dù dạy học trong trường công lập hay tại lớp học trẻ khuyết tật, bà Hồ Hương Nam đều không nhận tiền của phụ huynh với quan điểm rằng bà không bán chữ.

Đến phường Yên Phụ (Tây Hồ, Hà Nội), nhắc tới bà giáo dạy học miễn phí cho trẻ khuyết tật, người dân ai cũng biết bà Hồ Hương Nam. Nhà bà nằm trong một con ngõ nhỏ của phố Nghi Tàm.

Dù năm nay đã 90 tuổi, bà Nam vẫn minh mẫn và không cần người dìu lên xuống cầu thang. Trên khuôn mặt phúc hậu của bà in hằn nhiều những nếp nhăn, nhưng đôi mắt vẫn tinh anh.

Bà Hồ Hương Nam vẫn nhớ như in nhiều kỉ niệm về nghề trong gần 50 năm dạy học. Đặc biệt là 23 năm dạy học miễn phí cho trẻ khuyết tật.

Nhà giáo Hồ Hương Nam nhớ lại kỉ niệm khi xưa rời quê hương và hẹn hai năm sau sẽ trở về. Tuy nhiên, bà đã chọn Hà Nội làm quê hương thứ hai. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Nhà giáo Hồ Hương Nam nhớ lại kỉ niệm khi xưa rời quê hương và hẹn hai năm sau sẽ trở về. Tuy nhiên, bà đã chọn Hà Nội làm quê hương thứ hai. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Yêu nghề giáo từ nhỏ

Sinh ra tại tỉnh Thừa Thiên Huế trong một gia đình có bố mẹ làm nghề y, ngay từ nhỏ bà Nam đã được định hướng theo nghề của gia đình. Tuy nhiên, bà lại thích nghề dạy học, mong ước trở thành nhà giáo khi còn là một nữ sinh nhỏ tuổi.

Bà tốt nghiệp sơ cấp sư phạm ở Huế năm 1952. Khi ra Bắc tập kết, bà theo nghề dạy học và gắn bó với nghề bằng cả cuộc đời.

Suốt mấy chục năm công tác giảng dạy tại nhiều trường tiểu học công lập, trong kí ức của bà luôn chứa đựng những hình ảnh đẹp với học trò. Bà gọi đó là thời gian của tình yêu, trong đó có niềm đam mê với nghề, có tình yêu dành cho "tụi nhỏ".

Với những học sinh yếu kém, bà luôn dành 30 phút để bồi dưỡng thêm cho các em vào cuối buổi học. Thấy vậy, có phụ huynh muốn cảm ơn cô giáo bằng phong bì nhưng bà thẳng thắn từ chối: “Tôi không bán chữ”.

Những năm tháng dạy học đó, hoàn cảnh của bà cũng rất khó khăn: chồng mất, mình bà nuôi ba con nhỏ. Tuy nhiên, mỗi khi đến lớp, mọi muộn phiền, lo toan của cuộc sống lại tan biến.

Bà Nam cho hay, năm 1980, do sức khỏe yếu, bà xin nghỉ hưu. Về hưu, nhưng bà vẫn hỗ trợ công tác dân số ở địa phương. Trong quá trình này, bà đã gặp nhiều trường hợp là trẻ em khuyết tật, chậm phát triển trí tuệ phải khép mình trong 4 bức tường, không được đến trường.

“Nếu các cháu không được đến trường học, ai sẽ dạy chúng”, một câu hỏi len lỏi vào suy nghĩ khiến bà trăn trở. Điều này đã thôi thúc bà phải làm gì đó để giúp các em biết chữ, biết con số để sau kiếm cái nghề nuôi sống bản thân và gia đình.

Bắt đầu bằng những khó khăn...

Vì làm công tác dân số tại địa phương, nắm bắt được thông tin về những gia đình có con em khuyết tật, bà Nam lên kế hoạch mượn trụ sở phòng tuần tra của phường để làm nơi dạy học. Tại đó đã có sẵn bàn ghế thuận lợi cho việc giảng dạy.

Sau đó, bà đến các gia đình có con em khuyết tật để thuyết phục, động viên họ. Lúc mới đầu, bà không những bị từ chối mà còn nhận lại những câu nói: “Con tôi bị bệnh down, chậm phát triển trí tuệ vậy học hành sao. Bà về đi”.

Tuy nhiên, bà vẫn không bỏ cuộc mà đưa ra lời hứa với phụ huynh rằng: “Sau một tháng, nếu con không có tiến triển, tôi sẽ không dạy nữa”. Lời cam kết đó của bà cuối cùng cũng được hai gia đình bé Th. mắc hội chứng down, và bé Tr. bị thiểu năng trí tuệ đồng ý. Đó là hai học sinh khuyết tật đầu tiên của bà, lớp học bắt đầu bằng hai học sinh được mở vào năm 1997.

Hàng ngày, trước khi vào buổi giảng dạy, bà sẽ viết mẫu chữ cái bằng bút chì, để các em viết lại bằng bút mực, rồi bà dạy chúng đọc chữ. Sau gần một tháng, hai đứa nhỏ 7-8 tuổi đã biết đọc chữ “O”, “A”, rồi ghép chữ và còn biết lễ phép chào bố mẹ.

Nhận lại được những điều không ngờ, bố mẹ của hai em đã giới thiệu cho những gia đình có trường hợp tương tự. Từ đây, lớp học của bà Nam tăng dần lên đến 6 học trò.

Bà Nam chia sẻ, đối với lớp học dạy trẻ khuyết tật trong 23 năm (năm 1997 đến năm 2020), bà đều dạy miễn phí. Khi tuổi cao, không tự đi xe đến lớp được, bà bỏ tiền túi ra để thuê xe ôm chở bà đến lớp dạy học. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Bà Nam chia sẻ, đối với lớp học dạy trẻ khuyết tật trong 23 năm (năm 1997 đến năm 2020), bà đều dạy miễn phí. Khi tuổi cao, không tự đi xe đến lớp được, bà bỏ tiền túi ra để thuê xe ôm chở bà đến lớp dạy học. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Một thời gian sau, lớp học được chuyển sang khu nhà trẻ. Tại đây, bà Nam phải nhờ phụ huynh kê gạch để đặt tấm gỗ làm bàn học cho các em, học sinh ngồi dép thay ghế. Tiếp đó hơn một năm sau, nơi này được xây mới nên bà lại gặp khó khăn về chỗ dạy học.

“Tôi lên Phòng Giáo dục quận và nói rõ về những khó khăn trong cơ sở dạy học cho các em khuyết tật. Sau đó, lãnh đạo Phòng đã đồng ý dành riêng cho lớp một phòng tại Trường Trung học cơ sở An Dương”, bà Nam nhớ lại.

Đến những “trái ngọt” thu về bằng yêu thương và tận tụy

Trong 23 năm dạy dỗ các em khuyết tật, thiểu năng trí tuệ, bà Nam đã đào tạo được 62 học trò. Trong đó, có những thời điểm lớp học đông nhất là 18 em.

Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, lớp học của bà Nam đóng cửa. Cũng thời điểm đó, có 2 học trò của bà và 3 phụ huynh khác mắc bệnh rồi qua đời. Những ngày tháng đó bà vừa thương, vừa nhớ học trò hơn bao giờ hết.

Sau thời kỳ dịch bệnh, một số em cũng nhận thấy rằng, bản thân cũng đã lớn tuổi không thể mãi phụ thuộc vào gia đình. Bởi vậy, các em quyết định tự chọn lối đi cho mình, như bán hàng online, có em học tập thêm để là các công việc phù hợp.

Hình ảnh về lễ bế giảng năm học 2018-2019 và chia tay lớp 9 niên khoá (2015-2019) do bà Nam giảng dạy. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Hình ảnh về lễ bế giảng năm học 2018-2019 và chia tay lớp 9 niên khoá (2015-2019) do bà Nam giảng dạy. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Giờ đây, khi tuổi đã cao sức yếu, bà Nam quanh quẩn ở nhà. Lúc buồn, bà lấy những tập album chụp chung với học trò để xem, để nhớ về những kỉ niệm khi xưa.

Đó có thể là những cái ôm của nhiều học trò vốn chậm hơn những trẻ bình thường khác khi thấy bà đến lớp. Hay đó là kỉ niệm vào dịp ngày 20/11/2002, có một em cầm một bông hoa đến tặng bà và nói: “Bà ơi, hôm nay là ngày của bà, cháu xin tặng bà một bông hoa", rồi tất cả lớp ùa lên chúc mừng.

"Khi tôi hỏi: “Ai cho cháu tiền mua hoa?", học sinh trả lời "đây là tiền quà sáng của cháu". Nghe xong, tôi vừa cầm bông hoa vừa khóc vì cảm nhận được tình cảm, món quà đầy ý nghĩa của các cháu dành cho mình”, bà Nam nhớ lại.

Nhắc tới những kỉ niệm xưa, bà Hồ Hương Nam cho rằng, học sinh hiện nay đã đã quen với việc mua hoa, mua quà tặng thầy cô vào dịp lễ, tết. Bà Nam cho rằng, không nên đặt nặng quà tặng, điều quan trọng hơn là nên dạy các em về tình cảm, tấm lòng, sự tôn trọng với thầy cô để nhân lên, gìn giữ những hình ảnh đẹp về tình thầy trò.

Năm 2014, nhà giáo Hồ Hương Nam được Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội công nhận danh hiệu: Công dân Thủ đô ưu tú. Chia sẻ về danh hiệu này, bà Nam cho biết: khi đó, bà rất bất ngờ vì đó là điều chưa từng nghĩ đến. Với bà, việc gắn bó với những đứa trẻ đã giúp bà luôn vui tươi, hạnh phúc trong cuộc sống.

Mạnh Đoàn