An Giang lên kịch bản khai giảng qua truyền hình

28/08/2021 07:28
KHÁNH VĂN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Học sinh toàn tỉnh sẽ tham dự lễ khai giảng tại nhà thông qua Chương trình truyền hình trực tiếp của Đài Phát thanh và Truyền hình An Giang.

Ngày 27/8/2021, ông Lê Văn Phước - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã ký Quyết định số 1999/QĐ-UBND phê duyệt "Kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục năm học 2021-2022 trong điều kiện dịch bệnh Covid-19" của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Theo kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang, học sinh không tập trung học sinh trong thời gian tựu trường. Giáo viên chủ nhiệm các lớp thông báo đến phụ huynh và học sinh biên chế lớp, nội quy học sinh, thời khóa biểu, nắm tình hình học sinh bị ảnh hưởng dịch bệnh, điều kiện về học trực tuyến... qua điện thoại, tin nhắn SMS, nhóm Zalo...

Tổ chức sinh hoạt lớp dưới hình thức trực tuyến. Thời gian thực hiện từ ngày 1 đến trước ngày 5-9-2021

Lễ khai giảng năm học 2021-2022 sẽ được tổ chức bằng hình thức truyền hình trực tiếp. Học sinh toàn tỉnh tham dự lễ khai giảng tại nhà thông qua Chương trình truyền hình trực tiếp của Đài Phát thanh và Truyền hình An Giang. Thời gian bắt đầu vào lúc 7 giờ 30 phút, ngày 5/9/2021.

Quyết định số 1999/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, ảnh chụp từ màn hình
Quyết định số 1999/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, ảnh chụp từ màn hình

Thời gian thực học đối với lớp 9 và lớp 12 sẽ bắt đầu từ ngày 6/9/2021 (dưới hình thức trực tuyến). Từ ngày 15/9/2021, tùy theo tình hình dịch bệnh tại các huyện, thị xã, thành phố, tất cả các cơ sở giáo dục tổ chức hoạt động giáo dục theo các phương án, cụ thể như sau:

1.Trong điều kiện địa phương áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ:

Đối với cấp học mầm non: trẻ mầm non tạm nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh. Nhà trường tổ chức xây dựng các công cụ hỗ trợ, kho tài liệu, học liệu dùng chung để truyền tải đến cha mẹ trẻ để cho trẻ tiếp cận.

Giáo viên phụ trách nhóm, lớp thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cha mẹ để tư vấn hỗ trợ chăm sóc, giáo dục cho trẻ tốt nhất, đảm bảo an toàn phòng dịch và thực hiện kế hoạch giáo dục hiệu quả. Quan tâm trẻ em thiệt thòi, trẻ em có nhu cầu hỗ trợ đặc biệt. Xây dựng các phương án đảm bảo điều kiện để đón trẻ trở lại trường sau khi hết giãn cách xã hội.

Đối với giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên: tổ chức dạy và học theo hình thức trực tuyến hoàn toàn, chủ yếu trang bị kiến thức cốt lõi cho học sinh.

Đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn không thể tham gia học trực tuyến, thủ trưởng các cơ sở giáo dục chỉ đạo giáo viên bộ môn phối hợp với giáo viên chủ nhiệm chuyển giao nhiệm vụ học tập cho các em thông qua tin nhắn SMS, Vnedu… hoặc gửi tài liệu photocopy đến các em.

Sau khi hết giãn cách, học sinh trở lại trường: nhà trường tiến hành bổ sung kiến thức, tổ chức phụ đạo cho học sinh còn hạn chế về điều kiện học trực tuyến.

Tạm dừng tất cả các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa trong và ngoài nhà trường.

2.Trong điều kiện địa phương áp dụng Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ:

Đối với cấp mầm non: trẻ mầm non tạm nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh.

Đối với giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên: tổ chức kết hợp dạy học trực tiếp và trực tuyến. Trong đó, chỉ tổ chức dạy học trực tiếp tại trường theo hình thức chia đôi lớp học (khoảng 20 học sinh/lớp) đối với lớp 9 và lớp 12 nhằm đảm bảo giãn cách và an toàn phòng, chống dịch. Các khối lớp còn lại, tổ chức dạy học trực tuyến hoàn toàn.

Các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa, chuyển sang hình thức trực tuyến. Những trường hợp thật sự cần thiết, các cơ sở giáo dục có thể tổ chức trực tiếp khi có sự đồng ý của cơ quan quản lý trực tiếp, nhưng phải hạn chế về quy mô (không quá 10 người), phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định hiện hành.

3. Trong điều kiện bình thường mới (khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát hoặc học sinh đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19):

Phương án tổ chức dạy và học, các trường tổ chức dạy và học cho học sinh theo hình thức trực tiếp (Đối với các đơn vị có đủ cơ sở vật chất thì chia khung thời gian phù hợp đảm bảo giãn cách tối đa trong điều kiện có thể).

Tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh phải thực hiện nghiêm giải pháp “5K” (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) và công tác phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế và Sở giáo dục và Đào tạo.

Phương án tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa - sinh hoạt dưới cờ tổ chức tại lớp học, không tập trung dưới sân trường. Các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, ngoại khóa được tổ chức nhưng hạn chế về quy mô và số lượng; phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định hiện hành.

Kế hoạch của Sở Giáo dục An Giang cũng nhấn mạnh các trường ưu tiên và chuẩn bị sẵn sàng các phương án dạy học trực tuyến qua môi trường Internet thông qua các ứng dụng: Viettel Study, VNPT elearning, K12 Online, Dạy học qua truyền hình, Zalo, Zoom Meeting, Google Meet, tài liệu trực tuyến, ngân hàng video,.. và các phần mềm dạy học trực tuyến phù hợp khác.

Đồng thời, xây dựng các công cụ hỗ trợ, kho tài liệu, học liệu dùng chung tạo thành ngân hàng video phù hợp với điều kiện của các cơ sở giáo dục, giới thiệu các nguồn, kênh thông tin, tài liệu để hỗ trợ hoạt động dạy và học trong điều kiện phòng, chống dịch.

KHÁNH VĂN