800 học sinh có 10 em đánh giá "Chưa hoàn thành" là ít hay nhiều?

10/06/2023 06:36
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- 10 học sinh bị đánh giá chưa hoàn thành môn Âm nhạc trong tổng số 800 học sinh của trường.

Những ngày qua, câu chuyện nhiều phụ huynh Trường Tiểu học Cù Chính Lan, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, khiếu nại đến cơ quan quản lý giáo dục vì con em bị đánh giá "chưa hoàn thành" môn Âm nhạc, phải học lại vào dịp hè thu hút sự chú ý của dư luận. Được biết, đoàn kiểm tra đang hoàn thiện các báo cáo để kịp thời báo lên Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai.

Là một giáo viên tiểu học, tôi có đôi lời chia sẻ qua vụ việc này.

Phụ huynh tập trung đông tại Trường Tiểu học Cù Chính Lan để chờ kết luận về kiến nghị liên quan đến cách giảng dạy và đánh giá xếp loại học sinh môn Âm nhạc. (Ảnh trên giaoduc.net.vn)Phụ huynh tập trung đông tại Trường Tiểu học Cù Chính Lan để chờ kết luận về kiến nghị liên quan đến cách giảng dạy và đánh giá xếp loại học sinh môn Âm nhạc. (Ảnh trên giaoduc.net.vn)

98,75% học sinh hoàn thành môn học thì là cao hay thấp?

Theo dõi thông tin báo chí, ngay khi vụ việc diễn ra, trả lời về chuyện này, bà Phan Thị Hợp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cù Chính Lan, cho hay cô giáo bị phụ huynh phản ứng là người duy nhất dạy Âm nhạc cho 800 học sinh của trường. Năm học 2022-2023, trường có 10 học sinh chưa hoàn thành chương trình học môn Âm nhạc.

Các phụ huynh cho rằng, giáo viên dạy môn Âm nhạc của trường thiếu tích cực trong giảng dạy, truyền đạt kém khiến học sinh không cảm nhận được nội dung bài học cũng như phát triển các kỹ năng để theo kịp yêu cầu. Ngoài ra, việc kiểm tra, đánh giá thiếu khách quan nên không tạo được sự đồng thuận, gây ức chế cho học sinh.

Có học sinh cuối cấp, đạt 5/9 điểm 10, các môn còn lại hoàn thành tốt, trừ môn này. Trong khi đó, ở các trường khác, theo phụ huynh là khó khăn hơn nhưng tất cả học sinh đều hoàn thành và hoàn thành tốt. [1]

Tôi có theo dõi clip nhà trường họp với cha mẹ học sinh được chia sẻ trên mạng xã hội, nghe lời phát biểu của một phụ huynh trong cuộc họp mà thấy nhói lòng. Những ngôn từ "đóng đinh" buộc tội giáo viên một cách đanh thép và đầy xúc phạm.

Theo cô giáo hiệu trưởng nhà trường: “Trường có 800 học sinh, năm học 2022-2023, có 10 học sinh chưa hoàn thành chương trình học môn Âm nhạc”.

800 em mà chỉ 10 em chưa hoàn thành chiếm tỷ lệ 1.25%, số học sinh đã hoàn thành môn học là 790 em, chiếm tỷ lệ 98,75%. Là một giáo viên, tôi cho rằng xét một cách khách quan thì tỷ lệ hoàn thành môn học như thế đã là quá cao.

Cô giáo Âm nhạc đánh giá sai hay phụ huynh quá thích thành tích?

Đem câu chuyện 800 học sinh có 10 em bị đánh giá chưa hoàn thành chia sẻ với một số thầy cô giáo đang giảng dạy các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục ở nhiều trường tiểu học.

Nhiều thầy cô giáo đều khẳng định, việc đánh giá học sinh chưa hoàn thành như giáo viên ở Trường Tiểu học Cù Chính Lan, thành phố Pleiku là bình thường.

Trong thực tế, nếu thầy cô đánh giá một cách chính xác theo yêu cầu cần đạt thì số lượng học sinh chưa đạt của môn học ở nhiều trường học sẽ cao hơn thế rất nhiều.

Bởi, có không ít học sinh không chịu học ở lớp cũng như ở nhà. Ví như có những bài hát học đi học lại, kiểm tra đi kiểm tra lại, giáo viên nhắc nhở thường xuyên trên lớp cũng như nhắn tin về nhà cho ba mẹ nhưng cuối cùng có em vẫn không thuộc.

Có những em học vẽ nhưng không có giấy vẽ, không có bút màu. Ở lớp không chịu nghe giảng mà ngồi nói chuyện, chọc phá bạn, luôn tìm cớ xin đi vệ sinh... Bài về nhà cũng không hoàn thành…thầy cô nhắc nhở, phản ánh với phụ huynh nhưng vẫn không tiến bộ.

Tuy thế, khi đánh giá phần đông các thầy cô dạy những môn học này đều không thẳng tay để xếp loại học sinh chưa hoàn thành. Có thể vì thế, khi một trường học nào đó có những giáo viên xếp loại có phần nghiêm khắc hơn nên đã nhận “bão” dư luận từ phụ huynh cũng là điều dễ hiểu.

Đối với học sinh theo học Chương trình 2006, học sinh tiểu học được đánh giá, xếp loại theo Thông tư 22 /2016/TT-BGDĐT. Nếu môn Âm nhạc hay Mỹ thuật, Thể dục, học sinh xếp loại Hoàn thành nhưng có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về ít nhất một môn học hoặc ít nhất một năng lực, phẩm chất được giáo viên giới thiệu và tập thể lớp công nhận vẫn được khen thưởng cuối năm.

Vì sự dễ dãi trong đánh giá như thế này nên một số phụ huynh sinh ra tâm lý coi thường môn học “Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục…”?

Tuy nhiên hiện nay, học sinh lớp 1, 2 và 3 được đánh giá theo Thông tư 27, chỉ cần một môn học nào đó xếp Hoàn thành thì dù những môn học đánh giá bằng điểm số đạt toàn điểm 10 và 13 phẩm chất, năng lực được xếp loại tốt thì học sinh ấy cũng không thể được khen thưởng danh hiệu nào.

Tôi đọc chia sẻ của một phụ huynh rằng: “Nó chạy theo cô giáo để hỏi “Giấy khen của con đâu cô?”, vì các môn con đều được điểm 9, 10 nên nghĩ rằng sẽ được nhận giấy khen xuất sắc”.[2]

Tôi trộm nghĩ, liệu có phải đây mới là nguyên nhân chính để nhiều phụ huynh đến trường kiến nghị về việc đánh giá xếp loại học sinh của cô giáo dạy Âm nhạc, chứ cả trường chỉ có 10 em phải ôn tập lại thì phụ huynh cũng không kéo đến trường phản ứng đông như thế.

Không riêng gì ở thành phố Pleiku, phụ huynh ở nhiều nơi khi cầm bảng điểm của con nhìn thấy một trong những môn học như Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục chỉ đạt mức Hoàn thành và ví thế con họ không đạt danh hiệu gì đã phản ứng khá dữ dội.

Họ gọi điện chất vấn giáo viên, họ lên trường kiến nghị với hiệu trưởng, rồi mang câu chuyện đi nói chỗ này, chỗ kia chỉ trích lỗi thuộc về giáo viên.

Thực tế phải thẳng thắn nhìn nhận, tâm lý của nhiều phụ huynh hiện nay xem môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục là “môn phụ ấy mà”; “Môn học ấy mà khắt khe gì với học sinh?”… Nhiều giáo viên cũng để trách rắc rối đã chọn xuê xoa cho cả lớp đều có kết quả đẹp.

Theo tâm sự thật lòng của một đồng nghiệp dạy Âm nhạc với tôi: “Nếu đánh giá chính xác, một lớp học chỉ đạt vài em Hoàn thành tốt là nhiều. Thậm chí, có khi một lớp học không một em nào đạt được mức tốt. Còn mức chưa đạt cũng có đến vài em”.

Giáo dục không quy định môn chính, môn phụ. Các môn học đều có vai trò như nhau. Tuy thế, tâm lý coi thường một số môn học không có trong số môn thi kiểm tra đầu vào chuyển cấp hoặc không tính điểm. Vì thế, nhiều phụ huynh không quan tâm đến những môn này mà mặc nhiên họ coi là môn phụ.

Đối với Chương trình Giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục đã thay đổi việc đánh giá và xếp loại học sinh sang Thông tư 27 (phần đánh giá kết quả tổng kết năm học được siết chặt hơn). Việc này được nhiều giáo viên xem là cuộc cách mang lại sự công bằng cho những môn học thường vị bị xem là môn phụ như hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vnexpress.net/nhieu-phu-huynh-khieu-nai-vi-con-rot-mon-am-nhac-4611264.html

[2] https://giaoduc.net.vn/vu-khieu-nai-vi-con-truot-mon-am-nhac-con-toi-noi-so-hai-khi-den-tiet-hoc-post235575.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết