6 tiến sĩ xuất sắc được trao giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật lần thứ XXIV

29/11/2024 14:13
Thu Thuỷ
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật được trao nhằm động viên, cổ vũ các nhà Sử học trẻ tuổi trên con đường học tập và nghiên cứu khoa học.

Sáng 29/11, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp Quỹ Giải thưởng Phạm Thận Duật tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm 139 năm ngày mất của danh nhân Phạm Thận Duật và lễ trao giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật lần thứ XXIV tại Bái Đường Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Tham dự buổi lễ có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo Nhân dân Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng xét giải thưởng Phạm Thận Duật; Nhà Sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Nhà báo Trịnh Thị Liên, Phó Chủ tịch Quỹ giải thưởng Phạm Thận Duật; các vị lãnh đạo Hội đồng họ Phạm Việt Nam cùng các tiến sĩ được trao giải thưởng...

GDVN-1 (4).jpg
Lễ dâng hương tưởng niệm 139 năm ngày mất của danh nhân Phạm Thận Duật và lễ trao giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật lần thứ XXIV. (Ảnh: Thu Thủy)

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cho biết: "Cách đây tròn 24 năm, để kỉ niệm 100 năm ngày mất của danh nhân Phạm Thận Duật, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã cùng với Quỹ giải thưởng Phạm Thận Duật đặt phần thưởng Phạm Thận Duật trao cho các tiến sĩ sử học có luận án được đánh giá là xuất sắc nhất trong năm bao gồm các giải Nhất , Nhì và Ba.

Nhiều tiến sĩ được nhận giải thưởng Phạm Thận Duật phát huy tinh thần say mê trong nghiên cứu khoa học, được phong hàm giáo sư, phó giáo sư trong các cơ sở đào tạo, được xếp là nghiên cứu viên cao cấp, nghiên cứu viên chính trong các viện nghiên cứu.

Một số người tạo được uy tín trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, được bổ nhiệm là giám đốc , phó giám đốc, viện trưởng, phó viện trưởng một số viện và hiệu trưởng , phó hiệu trưởng trưởng các cơ sở giáo dục. Có người được tham gia công tác quản lý cấp bộ. Nhiều luận án được trao giải thưởng sử học Phạm Thận Duật được công bố thành sách và phát hành rộng rãi trong và ngoài nước.

Cho đến nay, trải qua 23 năm với 23 lần trao giải, đã có gần 200 tiến sĩ vinh dự nhận giải thưởng Phạm Thận Duật. Việc trao giải trên cơ sở đánh giá và tuyển chọn khách quan chất lượng khoa học của các luận án được các cơ sở đào tạo tiến sĩ lịch sử trong cả nước gửi đến có tác dụng động viên, cổ vũ các nhà sử học trẻ tuổi trên con đường học tập, nghiên cứu khoa học và cống hiến cho sự phát triển của nền sử học Việt Nam, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

GDVN-1 (3).jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. (Ảnh: Thu Thuỷ)

Nhà Sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định, danh nhân Phạm Thận Duật (1825-1885) là một nhà sử học, nhà văn hóa, nghĩa sĩ yêu nước, người góp phần khởi động Phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp xâm lược vào cuối thế kỷ XIX. Trong 35 năm làm quan, ông vừa đảm trách công việc triều đình giao phó, vừa sáng tác và hoàn thành nhiều tác phẩm thuộc các thể loại thơ văn, nhật ký, tấu tập và địa chí có nhiều giá trị.

"Để tri ân và lan tỏa tình yêu về sử học nước nhà, từ năm 2000, với sự tài trợ của Quỹ Giải thưởng Phạm Thận Duật, giải thưởng Sử học mang tên danh nhân Phạm Thận Duật đã trở thành giải thưởng đầu tiên của Việt Nam được trao trong lĩnh vực sử học, cũng là giải thưởng chính thức và duy nhất của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, có phạm vi trên toàn quốc", ông Quốc nhấn mạnh.

GDVN_FM5A1542.jpg
Nhà Sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.
(Ảnh: Thu Thuỷ)
gdvn-dh.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo Nhân dân Vũ Minh Giang (thứ 2 từ phải sang), Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam thực hiện nghi thức dâng hương. (Ảnh: Thu Thuỷ)

Bà Trịnh Thị Liên, Phó chủ tịch Quỹ Giải thưởng Phạm Thận Duật cho biết: “Đây là lần thứ hai trong lịch sử 24 lần trao Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật kể từ năm 2000, sự kiện lại được diễn ra tại Nhà Thái Học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, lần đầu cách đây đúng 5 năm vào năm 2019. Ngày hôm nay, chúng ta được tưởng niệm về danh nhân Phạm Thận Duật, gợi nhắc chúng ta nhớ đến những ông đồ già, những nhà khoa bảng, đến giới trí thức tinh hoa của các triều đại phong kiến Việt Nam, mà gần nhất là triều Nguyễn vào cuối thế kỷ XIX-giai đoạn mà nhân vật Phạm Thận Duật xuất hiện và đi vào dòng chảy lịch sử của dân tộc Việt Nam...”.

Năm nay, 6 luận án tiến sĩ Sử học xuất sắc đã được lựa chọn cho Giải thưởng Phạm Thận Duật. Trong đó, giải Nhất thuộc về luận án "Bưu chính ở Bắc Kỳ từ năm 1897" của Tiến sĩ Trương Thị Hải, Viện Sử học Việt Nam.

Ban tổ chức cũng trao thưởng cho hai giải Nhì và ba giải Ba. Cụ thể, hai giải Nhì thuộc về Luận án "Binh chế triều Minh Mệnh" của Tiến sĩ Hoàng Lương, Viện Lịch sử quân sự và Luận án "Truyền đơn cách mạng ở Việt Nam từ năm 1930 đến năm 1945" của Tiến sĩ Trương Thị Phương, Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

Các giải Ba lần lượt thuộc về các luận án: "Đảng lãnh đạo xây dựng lực lượng dân quân tự vệ từ năm 2001 đến năm 2015" của Tiến sĩ Phạm Thanh Tùng, Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) và luận án "Quá trình phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin ở Việt Nam từ năm 1993 đến năm 2020" của Tiến sĩ Bùi Thị Bích Thuận, Trường Đại học Công đoàn và Luận án "Di tích đền miếu liên quan đến vương triều Trần ở Đông Triều (Quảng Ninh)" của Tiến sĩ Kiều Đinh Sơn, Trường Đại học Hạ Long.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Bùi Thị Bích Thuận (Trường Đại học Công đoàn) chia sẻ, nhận được giải thưởng này, cô cảm thấy rất vui mừng, xúc động và tự hào. Cô cũng thấy may mắn vì có sự giúp đỡ tận tình từ cơ sở đào tạo, cơ quan công tác và các thầy cô. Trong thời gian tới, cô sẽ tiếp tục phát huy và tập trung vào các nghiên cứu phục vụ cho giảng dạy và công tác, đặc biệt trong lĩnh vực lịch sử hiện đại.

GDVN-1 (2).jpg
Tiến sĩ Bùi Thị Bích Thuận (Trường Đại học Công đoàn) nhận giải Ba. (Ảnh: Thu Thuỷ)

Tiến sĩ Trương Thị Hải (Viện Sử học Việt Nam) cũng bày tỏ niềm vinh dự khi đại diện cho 6 tiến sĩ được nhận Giải thưởng Phạm Thận Duật năm 2024 - Giải thưởng vô cùng danh giá trong lĩnh vực sử học Việt Nam mang tên Danh nhân yêu nước, Nhà Sử học, Nhà Văn hoá đa diện Phạm Thận Duật.

"Có được kết quan trọng trong cuộc đời nghiên cứu, giảng dạy lịch sử ngày hôm nay chính là sự ghi nhận tinh thần phấn đấu không ngừng nghỉ của chúng tôi nói riêng và của những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy lịch sử nói chung ở Việt Nam hiện nay. Đây thực sự là một dấu mốc vàng không bao giờ phai trong sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy lịch sử của chúng tôi...", cô Hải chia sẻ.

GDVN_FM5A1641.jpg
Giải Nhất năm nay thuộc về Tiến sĩ Trương Thị Hải (Viện Sử học Việt Nam). (Ảnh: Thu Thuỷ)
GDVN-DH1 (1).jpg
Các khách mời lần lượt dâng hương tưởng niệm danh nhân Phạm Thận Duật. (Ảnh: Thu Thủy)
GDVN-DH1 (2).jpg
Giáo sư Vũ Minh Giang và bà Trịnh Thị Liên nhận hoa chúc mừng. (Ảnh: Thu Thủy)
GDVN-SH.jpg
Bằng chứng nhận giải thưởng Phạm Thận Duật lần thứ XXIV. (Ảnh: Thu Thủy)

Phạm Thận Duật (1825 - 1885) là người thôn Yên Mô Thượng, xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Ông đỗ cử nhân năm 1850 và nhậm chức Giáo thụ phủ Đoan Hùng rồi làm Tri châu Tuần Giáo. Phạm Thận Duật đã đảm nhiệm nhiều trọng trách trong các lĩnh vực đa dạng, từ chính trị, kinh tế, thủy lợi đến ngoại giao hay quốc phòng.

Năm 1885, ông cùng Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi ra sơn phòng Quảng Trị, thảo chiếu Cần Vương kêu gọi các sĩ phu và nhân dân đứng lên chống Pháp. Phạm Thận Duật bị Pháp bắt khi vua Hàm Nghi cử ông là Khâm sai đại thần ra bắc để chiêu tập nghĩa sĩ Cần vương. Ngày 29/11/1885, trên đường bị Pháp lưu đày từ Côn Đảo đến đảo Tahiti, ông đã hy sinh trên biển.

Phạm Thận Duật để lại các tác phẩm thuộc nhiều thể loại và có nhiều giá trị (Hưng Hóa ký lược, Quan Thành văn tập, Vãng sứ Thiên Tân nhật ký, Quan Thành tấu tập, Hà đê tấu tập, Hà đê bộ văn tập, Hà đê tấu tư tập, Điều trần đê chính trị nghị tập…).

Thu Thuỷ