5 giải pháp giảm bớt gánh nặng tài chính mua sách giáo khoa cho phụ huynh nghèo

04/05/2022 08:47
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sách giáo khoa được biên tập kỹ càng, được sử dụng ổn định dài lâu thì nhiều học sinh nghèo càng có thêm cơ hội được học tập.

Giá sách giáo khoa mới hiện tăng từ 3 đến 4 lần so với giá sách giáo khoa cũ ở các khối lớp. Thế nhưng, nếu chỉ cần bỏ ra khoảng 200 ngàn đồng là có được bộ sách mới, gia đình dù có nghèo khó cũng có thể cố gắng mua được.

Nhiều sách giáo khoa mới có giá cao gấp 3 lần sách giáo khoa cũ (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Nhiều sách giáo khoa mới có giá cao gấp 3 lần sách giáo khoa cũ (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Tuy nhiên, để có đủ sách giáo khoa học ở trường, cần phải bỏ ra số tiền gấp 3 lần như thế. Đây mới là gánh nặng làm oằn vai phụ huynh, làm cản bước đến trường của một số học sinh nghèo, khó khăn.

Có đủ sách học ở trường phải tốn hơn nửa triệu đồng

Nếu mua đủ bộ sách giáo khoa như quảng cáo của một số tác giả tập huấn sách giáo khoa mới (gồm tất cả sách giáo khoa và vở bài tập đi kèm) thì bộ sách giáo khoa của học sinh phải ngót nghét tiền triệu.

Số tiền phải bỏ ra mua sách cao như thế nhưng nhiều cuốn sách và vở bài tập không bao giờ được dùng đến vì ở trường không có đủ thời gian cho học sinh thực hành vào các cuốn vở bài tập. Có mua thì cũng để đó và cuối năm trở thành đồng nát.

Tuy thế, ở bài viết này, người viết chỉ đề cập đến việc có đủ sách giáo khoa học ở trường (nghĩa là được sử dụng hết) thì phụ huynh vẫn phải bỏ ra số tiền khoảng gần hoặc hơn nửa triệu đồng.

Đơn cử, một bộ sách giáo khoa lớp 3 mới có giá khoảng 210 ngàn đồng. Để đủ sách học, các em phải có thêm sách Anh văn có giá từ 99 ngàn đồng đến 150 ngàn đồng (tùy nhà xuất bản), sách Tin học 50 ngàn đồng.

Nếu như tất cả các môn học khác ngoài Toán và Tiếng Việt không cần mua vở bài tập thì vở bài tập Toán, Tiếng Việt lại rất cần thiết.

Bởi vì, ngoài những tiết học chính khóa thì 2 môn Toán, Tiếng Việt có khá nhiều tiết học tăng thêm vào buổi học thứ hai. Có vở bài tập, học sinh sẽ được luyện tập thực hành kỹ hơn những kiến thức đã học để rèn thêm nhiều kỹ năng trong học tập.

Vở bài tập Toán, Tiếng Việt (tập 1 và tập 2) có giá khoảng 80 ngàn đồng/4 cuốn. Tổng cộng số tiền cho một bộ sách giáo khoa lớp 3 học trên trường khoảng 500 ngàn đồng.

Học sinh nghèo gặp khó khăn

Giá một bộ sách giáo khoa học ở trường đã lên đến 500 ngàn đồng/bộ, một số tiền không hề nhỏ đối với những gia đình nghèo khó.

Nếu bây giờ, các nhà xuất bản đồng loạt hạ giá mỗi bộ sách giáo khoa đến vài chục ngàn đồng thì với những gia đình có thu nhập thấp vẫn là khó khăn không hề nhỏ.

Trong thực tế, những gia đình nghèo vẫn thường là gia đình đông con nên cùng lúc phải bỏ ra tiền triệu mua vài bộ sách giáo khoa thường vượt sức của họ.

Người viết đã không ít lần nhận được sự “cầu cứu” từ phụ huynh, từ đồng nghiệp xin được giúp đỡ cho các em có được bộ sách giáo khoa để đến trường.

Đã có những học sinh, năm học mới bắt đầu được 2 tuần nhưng không thể đến lớp. Sau nhiều lần liên hệ, giáo viên mới “ngã ngửa” vì lý do vô cùng xót xa là “gia đình em không đủ tiền mua sách cho con nên không thể đi học được cô ạ”.

Giải pháp nào giúp học sinh nghèo có đủ sách để học?

Nếu như trước đây, mỗi trường học ở địa phương người viết đều có một tủ sách dùng chung. Cứ cuối năm học, nhà trường phát động phong trào tặng sách cũ. Nhiều phụ huynh đã tình nguyện tặng những bộ sách giáo khoa cũ nhưng vẫn còn học tốt.

Tủ sách mỗi năm một đầy thêm. Thế là, gần tới ngày nghỉ hè, các lớp thống kê số lượng học sinh đăng ký mượn sách giáo khoa gửi về thư viện nhà trường là có ngay bộ sách mình cần cho năm học mới.

Nhờ có tủ sách dùng chung như thế, những học sinh nghèo, khó khăn ở trường tôi trong nhiều năm liền không phải tốn một đồng tiền mua sách.

Tuy nhiên, 2 năm thay sách gần đây, tủ sách dùng chung của mỗi trường học đang bỏ trống. Dù học sinh có tặng lại bộ sách giáo khoa cũ cũng không thể cho học trò lớp sau dùng lại được.

Lý do, sách quá nhiều sạn nên năm học mới nhà xuất bản buộc phải chỉnh sửa và in lại, những bộ sách cũ đương nhiên phải bỏ đi.

Có địa phương lại thay từ bộ sách này qua bộ sách khác, vì thế cũng không thể dùng lại. Bên cạnh đó, nhiều bộ sách giáo khoa được đóng cẩu thả nên liên tục bị bong tróc không thể học được.

Nếu muốn khởi động lại phong trào tặng sách giáo khoa để những tủ sách dùng chung ở các trường luôn đầy sách giáo khoa phục vụ những học sinh cần, người viết xin được kiến nghị một số giải pháp sau:

Thứ nhất, sách cần được biên soạn chất lượng, Hội đồng thẩm định sách giáo khoa mà Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập phải tập hợp được những thành viên trong hội đồng là người có tâm, có chuyên môn cao để phát huy tốt tinh thần trách nhiệm trong việc thẩm định. Đây chính là cửa ngõ, là "lá chắn thép" quan trọng nhất để tránh sách kém chất lượng "chui vào" trường học.

Khi sách giáo khoa có chất lượng sẽ không còn cảnh chỉnh sửa liên tục hàng năm về nội dung. Và như thế, sách giáo khoa được xuất bản từng năm sẽ không bị khác nhau về kiến thức dù rất nhỏ.

Thứ hai, hiện có ít nhất 3 bộ sách giáo khoa và sách tiếng Anh của một số nhà xuất bản được phép lưu hành. Để tránh tình trạng các địa phương thay đổi xoành xoạch từ bộ sách này đến bộ sách kia, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có quy định “tuổi thọ” cho mỗi bộ sách được chọn trên địa bàn của mình.

Thứ ba, phụ huynh có quyền quyết định mua cuốn sách giáo khoa nào, cuốn nào sẽ không mua để tránh tình trạng ép học sinh phải mua tất cả các loại sách và vở bài tập.

Ví như, họ có quyền từ chối không mua cuốn sách giáo khoa thể dục vì gần như không bao giờ các em dùng tới hay không mua các cuốn vở bài tập (Tự nhiên và Xã hội, Đạo đức, Âm nhạc, Mỹ thuật…) khi thấy không thật sự cần thiết cho việc học ở trường.

Thứ tư, sách giáo khoa cần được thiết kế đúng chuẩn quy định của sách giáo khoa, tránh tình trạng đan xen như cách trình bày giống vở bài tập để học sinh không thể làm bài vào ngay sách thì mới có thể sử dụng lại cho những năm học tiếp theo.

Thứ năm, sách phải được đóng một cách chắc chắn tránh việc bong tróc khi mới học được một thời gian.

Trên tất cả, vẫn là cái tâm của các nhà biên soạn sách, các nhà xuất bản và những người quản lý ở các địa phương, các trường học. Sách giáo khoa được biên tập kỹ càng, được sử dụng ổn định dài lâu thì nhiều học sinh nghèo càng có thêm cơ hội được học tập.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên